Ông có đánh giá như thế nào về nội bộ nước Mỹ sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump?
Về đối nội, đáng lẽ trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Trump phải hàn gắn những chia rẽ, bất bình, mất lòng tin trong lòng xã hội Mỹ nhưng chính sách đối nội trong 100 ngày lại làm nước Mỹ ngày càng chia rẽ. Điển hình là một loạt các quyết định như hủy bỏ ObamaCare, sắc luật siết chặt nhập cư từ 7 nước Hồi giáo vấp phải hàng chục cuộc biểu tình của người Mỹ. Chưa bao giờ, một Tổng thống trong 100 ngày đầu tiên lại có đến hàng chục cuộc biểu tình phản đối như ông Trump. Trong lịch sử, ông Donald Trump cung là Tổng thống đầu tiên mà mức độ tín nhiệm thấp nhất trong các đời Tổng thống. Như vậy, chính sách đối nội hoàn toàn thất bại.
Vừa qua, ông Trump đã công bố kế hoạch giảm thuế và cũng tạo ra một số tích cưc. Liệu kinh tế Mỹ có "vĩ đại trở lại" như ông Trump đã cam kết không?
Về kinh tế, phải thừa nhận, ông Trump bắt đầu tạo ra thêm việc làm bằng cách bỏ quyết định hạn chế khai thác khí đá phiến, than đá trước đây của ông Obama (trước đây, cựu Tổng thống Obama hạn chế việc khai thác than đá do lo ngại các tác động với môi trường).
Ngoài ra, quyết định giảm thuế DN, giảm thuế thu nhập gần đây bắt đầu tạo khởi sắc cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng những khởi sắc này không mang tính cơ bản. Nếu như ông Trump thực hiện đầy đủ cam kết giảm thuế DN, giảm thuế thu nhập, chắc chắn sẽ dẫn đến thâm hụt rất lớn cho cán cân tài chính Mỹ và nước này sẽ đối mặt với một núi nợ công khổng lồ mà không thể giải quyết được.
Còn về đối ngoại thì sao, thưa ông?
Về đối ngoại, ông Trump đã thực hiện ngược lại 180 độ so với các tuyên ngôn khi tranh cử Tổng thống. Năm 2016, ông nói NATO đã lỗi thời và tuyên bố, Mỹ không bảo vệ an ninh không công cho ai, yêu cầu các đồng minh chi thêm kinh phí. Nhưng trong 100 ngày đầu tiên, mọi việc đã ngược lại hoàn toàn. Từ Phó Tổng thống Mike Pence đến Ngoại trưởng Rex Tillerson đều có các phát ngôn ca ngợi NATO và liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.
Đối với 2 cường quốc hàng đầu là Nga và Trung Quốc, nếu như trước đây, ông Trump nhiều lần ca ngợi Tổng thống Putin và hứa hẹn hợp tác với Nga trong việc chống khủng bố thì vừa qua, quyết định bắn 59 tên lửa vào Syria đã chấm hết cho việc hợp tác Moscow - Washington trong việc chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Với Trung Quốc, ông Trump vừa qua cho biết đã đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ và không có chính sách gì đối với kinh tế Trung Quốc cả. Trong khi trước đó, ông từng với những phê phán Bắc Kinh đang hủy hoại kinh tế Mỹ và tuyên bố nâng thuế với hàng Trung Quốc vào Mỹ lên 45%.
Những chính sách này phản ánh điều gì về vị Tổng thống thứ 45 này của nước Mỹ?
Điều này phản ánh thế yếu và sự bế tắc trong chiến lược yếu của Tổng thống thứ 45 nước Mỹ, cả về các vấn đề trong nước và quốc tế. Có thể nói, sức mạnh của Mỹ thể hiện ra bên ngoài chỉ chủ yếu qua quan hệ với 2 cường quốc lớn là Nga và Trung Quốc. Năm 2017, thị phần hàng hóa của Bắc Kinh đã vượt Mỹ. Xét 2 điểm nóng trên thế giới là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và tại chiến trường Syria, Washington không có gì trong tay. Nếu không hợp tác với Bắc Kinh, nước Mỹ không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên, cũng như nếu không có hợp tác của Moscow, Mỹ sẽ không tài nào giải quyết được vấn đề Syria.
Về vấn đề Biển Đông, liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có tiếp tục tham dự vào như thời của ông Obama hay không?
Hiện có 2 quan điểm khác nhau. Một là, cả Ngoại trưởng và Phó Tổng thống Mỹ đều có chuyến thăm đến các nước đồng minh khu vực châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Australia. Điều này cho thấy có khả năng Mỹ muốn củng cố liên minh châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ nhân nhượng với Trung Quốc để đạt được các lợi ích kinh tế và tác động đến vấn đề Triều Tiên. Đối với ông Trump, kịch bản nào cũng có thể xảy ra. Hiện các khả năng về chính sách của ông Trump ở Biển Đông đều là 50/50 và hoàn toàn có thể thay đổi.
Xin cảm ơn ông!