100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống mỹ Donald Trump - Bài 1: Bảo hộ mậu dịch - cốt lõi của giải pháp chiến lược

TS Hồ Văn Chiểu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 100 ngày cầm quyền, Tổng thống Mỹ đã gây ra sự ồn ào bằng những lời ca ngợi và phê phán, những biểu thị tin tưởng và thất vọng.

Cơn cuồng nhiệt đã đạt đến đỉnh điểm, dường như đã lấn át một sự thật lẽ ra phải được làm sáng tỏ: Tổng thống Trump đã định hình chiến lược “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” trên cơ sở điều chỉnh chính sách một cách thực dụng. Nước Mỹ và thế giới sẽ đi về đâu khi chiến lược này được triển khai tại nước Mỹ và trên toàn thế giới?
Bài 1: Bảo hộ mậu dịch - cốt lõi của giải pháp chiến lược

Trái với những phát ngôn tùy hứng trong thời kỳ vận động tranh cử, các quyết sách trong những ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống đã được tính toán rất kỹ, dù có thể nó gây ra sự tranh cãi, thậm chí buộc phải thay đổi hoặc phải điều chỉnh như chính sách đối ngoại, các quan hệ đối với Nga và Trung Quốc, vấn đề Trung Đông...

Bảo hộ nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ

Đó là những chủ trương của ông Trump về bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng việc xem xét lại các chính sách thương mại theo hướng bảo hộ mậu dịch, chặn đứng xu thế toàn cầu hóa. Đây là một quyết sách được ông coi là cốt lõi của giải pháp chiến lược: “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ một số tập đoàn doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ngày 17/2/2017, Tổng thống Trump ký sắc lệnh "Mua hàng Mỹ và thuê người lao động Mỹ" nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất tại Mỹ và trừng phạt những công ty cố tình đưa việc làm ra nước ngoài thay vì ưu tiên tuyển dụng người lao động trong nước. Ông Trump cũng ký sắc lệnh hành pháp nhằm xem xét lại chương trình cấp visa H-1B cho lao động lành nghề vào Mỹ. H-1B là chương trình cấp visa cho người nước ngoài có tay nghề cao còn hiếm tại Mỹ, bịt lỗ hổng cho các công ty Mỹ thuê người nước ngoài với mức lương thấp hơn người Mỹ, làm mất đi nhiều cơ hội việc làm của dân Mỹ.

Ngày 2/4/2017, ông Trump đã ký hai sắc lệnh, trong đó chỉ đạo các quan chức thương mại nước này tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại ở Mỹ, kiểm tra đánh giá cụ thể đối với từng quốc gia và từng sản phẩm giao thương. Ông cũng ký sắc lệnh hành pháp nhằm bãi bỏ các quy định về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường thời ông Obama, bãi bỏ lệnh cấm cho thuê than trên các vùng đất liên bang, và các quy định giảm phát thải khí me tan từ sản xuất dầu khí.

Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ in thêm 1.500 tỷ USD để bù cho ngân sách và sẽ tăng giá trị của USD để thu hút vốn về Mỹ.

Với mức thâm hụt thương mại hơn 500 tỷ USD mỗi năm, bằng việc ký các sắc lệnh này, Tổng thống Mỹ Trump đang nỗ lực tái định hình chính sách thương mại của Mỹ với mục tiêu bảo hộ nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ. Phát biểu với các phóng viên trước khi ký kết các sắc lệnh, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định, động thái trên sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh của lĩnh vực chế tạo Mỹ, và “Chúng ta sẽ bảo vệ ngành công nghiệp của đất nước, tạo ra một sân chơi công bằng cho người lao động Mỹ... tình trạng đánh cắp sự thịnh vượng của Mỹ sẽ chấm dứt". Quyết sách này của Tổng thống Trump đã trung thành với chủ nghĩa trọng thương, dựa trên những thị trường đóng và các khoản vốn đóng nhằm đạt được mục tiêu tích lũy sự giàu có bằng phí tổn của những đối tượng khác, dành ưu đãi cho các ngành nghề quốc nội và áp thuế đối với hàng ngoại. Đó là phản đề của tiến trình toàn cầu hóa.

Hậu thuẫn bằng những chính sách thuế

Nếu như chính sách thương mại ngăn chặn hàng hóa của các đối tác vào Mỹ, tạo điều kiện cho hàng hóa Mỹ xuất khẩu thì chính sách thuế lại là sự chống lưng của chính quyền đối với các DN Mỹ trong cuộc cạnh tranh không bình đẳng trên thương trường quốc tế. Ngày 26/4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố gói đề xuất chính sách thuế mới, theo đó thực hiện những cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử đánh vào DN và cá nhân. Theo kế hoạch này, thuế DN sẽ giảm xuống còn 15% từ mức 39,6% như hiện nay, cắt giảm thuế thu nhập cá nhân xuống còn 35%, bãi bỏ thuế thừa kế thu nhập cá nhân, kể cả tầng lớp người giàu. Cụ thể, một cặp vợ chồng sẽ không phải đóng thuế đối với khoản thu nhập 24.000USD đầu tiên mà họ kiếm được, đồng thời xóa bỏ điều khoản áp thuế thu nhập 3,8% đối với những cá nhân có thu nhập hơn 200.000USD/năm. Bên cạnh đó, một số công ty lớn của Mỹ đang làm ăn ở nước ngoài có thể đưa lợi nhuận về trong nước với mức thuế chỉ còn 10%, thay vì 35% như hiện nay. Chính sách thuế nói trên không áp dụng với các khoản thuế nhập khẩu mới. Theo tính toán của các chuyên gia, ngân sách Mỹ có thể sẽ mất 7.000 tỷ USD trong 10 năm tới nếu áp dụng chính sách thuế mới của ông Trump.

Tuy vậy, Tổng thống Trump hoàn toàn tin tưởng rằng, chính sách thuế của ông làm gia tăng tài sản của người giàu. Họ sẽ tăng cường đầu tư, tạo ra nhiều việc làm cho nước Mỹ và vì vậy tiền thuế sẽ thu được nhiều hơn.

Cuối cùng, chính sách tiền tệ cũng được ứng dụng như một công cụ bảo hộ. Ngay trong thời kỳ thống trị của chủ nghĩa tự do mới, các nhà tài phiệt và chính quyền Mỹ vẫn tìm ra cách sử dụng lý thuyết Trọng tiền làm công cụ bảo hộ mậu dịch. Ứng dụng lý thuyết này, giới tài phiệt và chính quyền Mỹ đã thi hành chính sách USD rẻ, phát hành khống khối lượng lớn USD, được luân chuyển theo chu kỳ tăng lãi suất cơ bản. Kết quả là Mỹ đã phát hành khống hơn 200.000 tỷ USD, nợ của thế giới bằng đồng USD đã lên tới hơn 100.000 tỷ USD (theo số liệu của đồng hồ nợ 2016), tiền lãi và vốn mà thế giới phải trả cho giới tài phiệt Mỹ là 8.000 tỷ USD (phần lớn lại để ở nước ngoài) vào năm 2016, khủng hoảng tài chính diễn ra theo chu kỳ tăng lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ in thêm 1.500 tỷ USD để bù cho ngân sách và sẽ tăng giá trị của USD để thu hút vốn về Mỹ. Có nghĩa, Tổng thống Trump vừa muốn thực hiện chính sách USD rẻ để gia tăng số nợ ở nước ngoài, vừa muốn tăng lãi suất cơ bản để chuyển vốn về nước và tăng tiền lãi của Mỹ. Thế cũng có nghĩa, Tổng thống Trump muốn nước Mỹ giàu mạnh hơn nữa.
Chính phủ của Tổng thống Trump đã tạo ra khoảng hơn 500.000 việc làm, giảm 61% số vụ vượt biên trái phép, đã ban hành 30 văn bản hành pháp và bổ sung thêm 28 luật vào hệ thống luật hiện hành. 

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần