Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

12 giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều công trình nghiên cứu của các học giả, tổ chức trong và ngoài nước, trong và ngoài chính phủ đã chỉ ra rằng cải cách hành chính là vấn đề mang tính toàn cầu.

Vấn đề cải cách hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực do vậy để thcự hiện công tác cải cách thủ tục tốt chúng ta thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì mới có thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Do hạn chế khuôn khổ của bài viết nên tôi chỉ đưa ra một số giải pháp cần thiết thay vì nêu tất cả các giải pháp.

1. Nâng cao vai trò của người lãnh đạo tổ chức

Hơn ai hết người đứng đầu của tổ chức, đơn vị, cơ quan là người chịu áp lực nhất trước sự thay đổi-cải cách, các thành viên trong tổ chức, đơn vị, cơ quan mong đợi người đứng đầu phải là hạt nhân trong mọi hoạt động. Vì chủ trương cải cách thủ tục hành chính đã được cấp trên nên kế hoạch ban hành, người cuối cùng chịu ảnh hưởng là nhân viên của tổ chức. Nhưng người đứng đầu tổ chức mới là người trực tiếp biến những kế hoạch của cấp trên thành hiện thực. Do vậy, người đứng đầu tổ chức phải đóng vai trò: Chủ động đề xuất sự cải cách; nhận biết những lợi ích mang lại từ việc cải cách của ngành mình, lĩnh vực của mình; tính toán được các chi phí thực hiện cải cách thủ tục hành chính; xác đinh mức độ khả thi; cung cấp thông tin phản hồi giúp cho nhà quản lý trực tiếp và người khác ra quyết định; hoạch định kế hoạch triển khai cho nhân viên; tìm cách cập nhật thông tin tốt nhất cho nhân viên trong tổ chức; trao quyền cho nhân viên quản lý công việc được linh hoạt; xây dựng tinh thền làm việc cho cả tổ chức đối với việc thực hiện cải cách thủ tục; tổ chức hậu cần; đảm bảo công việc vẫn thông suốt trong khi diễn ra những thay đổi-cải cách; học hỏi thêm từ hệ thống mới.

2.Giải pháp đối phó với tính ỳ trước sự thay đổi – cải cách

Con người nhận thấy mối đe dọa với vị trí công việc, những triển vọng thăng tiến và thu nhập trước sự thay đổi – cải cách nên thường có tư tưởng chống đối, không tán thành. Do đó họ có khuynh hướng bám chặt vào những điều người ta biết hiện tại hơn là chấp nhận điều không quen thuộc, sự không chắc chắn. Trong các tình huốn như thế này việc thực hiện trao quyền, xây dựng nhóm làm việc là rất cần thiết trong việc thay đổi - cải cách để đảm bảo mọi nhân viên có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện sự cải cách, cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng đầy đủ, tạo dựng lòng nhiệt huyết cho việc xử lý những cải cách;

3. Hoạch định cho công tác cải cách hành chính (Lập kế hoạch hợp lý đã là giải quyết được một nửa công việc)

Quyết định xem tổ chức muốn đạt được cải cách thủ tục hành chính gì vào thời điểm nào (xác định mục tiêu kế hoạch) để xác định tính khả thị và sự đồng thuận của các bên có liên quan và để trả lời cho các câu hỏi: lý do phải cải cách thủ tục là gì?; các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính do tổ chức, cấp trên đặt ra là gì?; các mục tiêu nêu trên cần điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế?; những bộ phận nào liên quan đến cải cách thủ tục hành chính?; có những hạn chế nào?; thời gian dự tính là bao lâu?; những ai và nguồn lực nào có thể hỗ trợ trong việc hoạch định, tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính?; công việc thường lệ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?.

Xác định những điểm mấu chốt trong quá trình cải cách thủ tục hành chính: Những thay đổi trong cách làm việc của nhân viên, tổ chức; các nhu cầu về huấn luyện – đào tạo; những thay đổi trong trao đổi thông tin; cơ cấu tổ chức nào hỗ trợ cho cải cách thủ tục hành chính; từng cá nhân, tổ chức sẽ bị tác động như thế nào; thông tin về những thay đổi đưa ra như thế nào; ước tính chi phí; thời gian công bố cải cách thủ tục hành chính;

Lập danh sách nội dung công việc cần làm.

 4. Xác định vị trí việc làm, mô tả chức danh công việc và xác định khung năng lực cho từng vị trí

 Mục đích xác định vị trí việc làm, mô tả chức danh công việc và xác định khung năng lực cho từng vị trí để bố trí cán bộ phù hợp với nhu cầu của tổ chức được thành lập ra vì mọi tổ chức khi thành lập đều có chức năng, nhiệm vụ và phải tổ chức phân công lao động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó. Đề đảm bảo việc phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân trong tổ chức đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc “đúng người, đúng việc”, mỗi tổ chức đều phải xác định được vị trí việc làm và những yêu cầu của vị trí việc làm đó để có đưa ra căn cứ lựa chọn người có đủ năng lực thực hiện công việc.

Xác định vị trí việc làm, mô tả công việc, xây dựng khung năng lực của vị trí việc làm là một tập hợp thống nhất, làm cơ sở quan trọng cho việc kiện toàn, tổ chức, biên chế, quản lý cán bộ theo hướng khoa học, chuẩn mực.

5.Quản lý, đánh giá theo kết quả công việc

Hoàn thiện quy trình đánh giá kết quả công việc bởi nếu đánh giá chính xác, đầy đủ và với những tiêu chí hợp lý sẽ góp phần vào việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực hiện có trong đơn vị. Việc đánh giá kết quả công việc cũng sẽ giúp cho lãnh đạo thấy được điểm mạnh và điểm yếu của từng công chức để có những chính sách phù hợp về đào tạo, tuyển dụng, luân chuyển, sắp xếp, bố trí từ đó giúp nâng cao những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu kém.     

Đồng thời, đánh giá kết quả công việc cũng sẽ giúp cho công tác dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực được chính xác hơn vì khi đó sẽ biết được bộ phận nào đang quá tải công việc và cần bổ sung người và những người cần ứng tuyển có những đặc điểm gì để đáp ứng công việc một cách tốt nhất.

6. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo

Đào tạo được coi là khâu then chốt, quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ CBCC nhằm từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó việc xây dựng được một quy trình đào tạo chuẩn sẽ là bước khởi đầu quan trọng trong công tác này. Một quy trình đào tạo chuẩn gồm có: Xác định nhu cầu đào tạo; Xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo; Triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo; Đánh giá và theo dõi sau đào tạo

7. Nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác Tổ chức cán bộ

Bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu giải pháp nêu trên thì để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tổ chức cán bộ, công tác tuyển dụng, công tác luân chuyển cán bộ, công tác khen thưởng động viên, công tác quy hoạch, bổ nhiệm và các chế độ đãi ngộ vật chất khác

8. Không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật từ trung ương đến địa phương đi đôi với việc hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý.

9. Tăng cường và đổi mới phương pháp tuyên truyền về cải cách thủ tục bằng nhiều hình thức khác nhau.

10. Đề cao ý thức, đạo đức, lối sống của người cán bộ công chức hành chính.

11. Giải pháp huy động các nguồn vốn: Huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo nhu cầu vốn cho công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính. Huy động các nguồn vốn xây dựng cơ bản, sự nghiệp khoa học, vốn ODA và nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn trong dân thông qua việc xã hội hóa các dự án cho cải cách thủ tục hành chính.

12. Giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về cải cách thủ tục hành chính: Các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vai trò của cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính trong từng cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác lãnh đạo, ưu tiên đầu tư phát triển cải cách thủ tục hành chính, coi cải cách thủ tục hành chính là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.