16 tỉnh phía Bắc góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/2, tại tỉnh Bắc Ninh, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các tỉnh/thành phía Bắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia đóng góp ý kiến của 16/25 tỉnh/thành phía Bắc gồm: Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai , Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nội...

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các đại biểu căn cứ vào thực tiễn vướng mắc ở địa phương, để góp ý một cách cởi mở, thẳng thắn vào trọng tâm từng nhóm vấn đề với điều khoản cụ thể của dự thảo Luật, góp phần tạo ra chính sách phù hợp, phát huy nguồn lực đất đai, bảo đảm Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành có sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác, người dân có thể hiểu được, thực hiện được; hạn chế tối đa thực trạng chính sách đúng nhưng thể chế hoá không tốt thì chính sách không đi được vào cuộc sống.

16 tỉnh phía Bắc góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  - Ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý các đại biểu một số vấn đề cụ thể cần trao đổi, góp ý sâu hơn nữa, để đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các công cụ quản lý hiệu quả để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, phải làm rõ, cụ thể về khái niệm, chủ thể "Nhà nước", "toàn dân" để từ đó quy định quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp thẩm quyền về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai một cách hợp lý, trong đó, cần hết sức lưu ý vai trò chính quyền ở cấp xã, phường;

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá tính đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống quy hoạch đất đai với quy hoạch các ngành, địa phương theo quy định trong dự thảo Luật;

Tính khả thi, toàn diện của các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thu thập, xây dựng dữ liệu giá đất, khuyến khích người dân công khai giá đất giao dịch… nhằm khắc phục tình trạng định giá đất đang rất chậm trễ ở các địa phương dù đang có tới 5 phương pháp định giá đất;  các chính sách về thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư,...

Góp ý cho dự thảo Luật tại Hội nghị, các đại biểu của TP Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đã đề nghị Ban soạn thảo cần cụ thể thời điểm xác định giá đất rõ ràng hơn đối từng dự án  vì việc giải phóng mặt bằng đôi khi không đúng tiến độ do còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu xác định giá đất trong thời gian 06 tháng, tính từ khi DN trúng thầu mà việc giải phóng mặt bằng chậm thì sau đó lại phải làm lại xác định giá đất đối với doanh nghiệp tham gia dự án sẽ rất mất thời gian.

Đại biểu tỉnh Ninh Bình cho rằng, qui định về Quy hoạch sử dụng đất tại Khoản 5 Điều 60 và Khoản 7 Điều 65 của dự thảo Luật sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện vì việc thực hiện qui hoạch sử dụng đất thường xuyên bị thay đổi bởi các dự án giao thông, thuỷ lợi…

Đối với thu hồi sử dụng đất nên qui định khi thu hồi không được do qui định thì đề nghị được thoả thuận. Đồng thời, đề nghị bổ sung qui định trong việc thu hồi đất khi chủ đất vắng mặt tại địa phương.

Về  phía TP Hà Nội, ngoài việc góp ý ở Điều 50 về điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; Điều 140, 143  và 144 xoay quanh qui định cấp GCN quyền sử dụng đất; Hà Nội cũng đã đề cập tới qui định về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong dự thảo Luật. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 90 quy định điều kiện bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân “hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp”  còn chưa rõ ràng, gây nhiều tranh cãi, khó áp dụng trong thực tiễn. Vì quy định điều kiện cấp GCN đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ đều gắn với điều kiện phù hợp với  quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên các trường hợp nhà nước thu hồi đất đều đã được quy hoạch cho các dự án, công trình (không còn đủ điều kiện cho cấp GCN nữa). Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng: có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này (trừ điều kiện phải phù hợp với qui hoạch sử dụng đất) mà chưa được cấp.

Kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ghi nhận những ý kiến đóng góp sát với thực tiễn, vấn đề đang đặt ra, có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý, đất đai tại địa phương như phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân trong sở hữu đất đai.  Phó Thủ tướng yêu cầu Ban soạn thảo dự thảo Luật cần nghiêm túc lĩnh hội ý kiến để hoàn thiện cho dự luật; đồng thời, đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân có nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc góp ý cho dự thảo, góp phần bảo đảm sự thống nhất trong các luật về tổ chức Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương…