Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

27 tỉnh, thành phố sẵn sàng ứng phó siêu bão Mangkhut

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut đang hướng nhanh vào đất liền nước ta.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, cùng đại diện các bộ ngành và 27 tỉnh, TP từ Nghệ An trở ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, siêu bão Mangkhut tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Dự kiến trưa 15/9, siêu bão sẽ đi vào Biển Đông với sức gió cấp 14 - 15, giật cấp 17. Khoảng ngày 16/9, siêu bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong ngày 17/9. Phạm vi có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão là khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá (gồm 27 tỉnh, TP). Cường độ bão rất mạnh và sẽ gây mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại các tỉnh, TP.

Thông tin từ Tổng cục Thủy sản cho biết, trong khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa hiện có 7.886 tàu thuyền đánh bắt hải sản đang hoạt động. Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 60.434ha và 11.647 lồng bè. 3.383 hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cũng đã tích đầy nước. Đặc biệt, tại khu vực trên hiện có 230 trọng điểm đê điều, vị trí xung yếu. 418km đê biển từ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa chỉ có thể chống được bão cấp 10. Đối với sản xuất nông nghiệp, mưa lớn do siêu bão có thể ảnh hưởng tới 1,3 triệu héc-ta cây trồng vụ Hè Thu. Với tình hình thực tế trên, Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nếu không quyết liệt ứng phó, thiệt hại sẽ rất khôn lường.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do siêu bão, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ ngành, 27 tỉnh, TP từ Nghệ An trở ra kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn xong trước 10h ngày 16/9. Kiên quyết sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn trước 17h ngày 16/9.

Đối với các tỉnh ven biển, xem xét cho phép học sinh nghỉ học vào ngày 17/9. Đồng thời, triển khai ngay các tổ đội xung kích tại các thôn, bản, kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh. Cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác hướng dẫn người dân qua lại các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ…

Nhận định về nguy cơ gây thiệt hại lớn của siêu bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ ngành, các địa phương không được phép chủ quan, sẵn sàng ứng phó trên tinh thần chủ động và ưu tiên an toàn cao nhất. Nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời thông tin đến các địa phương ven biển và người dân biết vùng nguy hiểm để chủ động phòng, tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Các tỉnh, TP ven biển xem xét, ban hành lệnh “cấm biển”, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý việc bảo đảm an toàn hồ chứa khi có mưa lớn do hoàn lưu bão. Theo đó, các bộ ngành, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa thuỷ điện. Liên tục cập nhật tình hình, tính toán toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Những ngày tới, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT tổ chức các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý các tình huống cấp bách tại các tỉnh, TP, các trọng điểm đê điều, hồ chứa thuỷ lợi. Đồng thời, điều phối vật tư hộ đê, PCTT; Chỉ đạo các tàu kiểm ngư sẵn sàng tham gia cứu nạn khi có yêu cầu.