“Tại anh, tại ả”
Sự ồn ào đến từ việc hôm 12/12, học sinh lớp 9 toàn quận Thanh Xuân, Hà Nội làm bài thi học kỳ 1 môn Toán. Kết quả, 70% hoc sinh bị điểm dưới trung bình. Do vậy, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã phải tổ chức cho các em thi lại vào ngày 17/12.
Trả lời báo giới, ông Phạm Gia Hữu - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho hay, đề ra theo hướng nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10. Đó là do các em chưa được làm quen và thực hành kỹ, dẫn đến lúng túng, kết quả không được như mong đợi.
Ngay khi sự vụ nói trên xảy ra, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Tại một diễn đàn về giáo dục với hơn 65.000 thành viên (phần lớn là phụ huynh, học sinh và các thầy, cô tham gia) đã cùng mổ xẻ về nguyên nhân khiến 3.000 học sinh phải thi lại. Có ý kiến cho rằng, vấn đề học của các con đã đến mức báo động, đề ra dạng cơ bản mà vẫn điểm vẫn kém.
Một phụ huynh tên Hoàng Thị T. (phụ huynh có con đang theo học ở quận Thanh Xuân) lên tiếng: “Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tại sao cả một quận kiểm tra như vậy lại quay sang nói các con rập khuôn, máy móc. Chả nhẽ một quận nội thành với bao nhiêu tâm huyết và nỗ lực của thầy cô (rất nhiều thầy cô giỏi) lại đào tạo ra một lứa các con không hề có năng lực tư duy?”.
Cũng theo phân tích của phụ huynh này, các học sinh đã phải đối mặt với một đề thi “rất mất thời gian” và có phần thiếu chính xác. Có thể kể đến việc đưa ra đáp án quá lẻ, dẫn tới việc học sinh loay hoay, thậm chí nhầm tưởng đã tính toán sai. Hoặc giả: “Bài tìm max thì đáp số là không có max” - phụ huynh T. tỏ vẻ bức xúc.
Nhìn nhận dưới góc độ khác, chị Vũ Thị N. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại đánh giá, các thầy cô khi ra đề nên bám sát chương trình dạy và học của Bộ GD&ĐT. “Cứ bảo là chương trình như sách giáo khoa mà 70% các cháu điểm dưới trung bình thì cũng cần xem xét lại quá trình dạy và dỗ” - chị N. nói.
Phải phân biệt đặc thù từng loại đề
Bàn về cách trả lời của lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân khi cho rằng, do học sinh chưa làm quen với dạng đề. Cô giáo Nguyễn Điệp (giáo viên dạy Toán ở Hà Nội) phân tích, việc dạy học đâu chỉ hiểu đơn giản là dạy kiến thức. Dạy học chính là truyền đạt cho các học sinh phương pháp tư duy, phương pháp tiếp cận, đối diện với các đề thi để tìm ra lời giải phù hợp nhất. “Tôi thấy việc lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận nói các con chưa quen dạng đề thi là chưa đầy đủ” - cô giáo Điệp lên tiếng.
Nói kỹ về nguyên lý ra đề, thầy Nguyễn Đắc Thắng - giáo viên dạy Toán, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam phân tích, về nguyên lý cơ bản, khi ra đề, giáo viên phải bám sát các nội dung, kiến thức căn bản của Bộ GD&ĐT. Trong đề thi có 2 nội dung phân hóa cơ bản, đó là kiến thức vận dụng thấp và vận dụng cao.
“Giáo viên chúng tôi luôn phải hiểu, quá trình ra đề phải phân loại được đâu là đề đại trà hay đề chuyên biệt, cho các học sinh năng khiếu. Từ đó, dạng đề sẽ có ma trận khác nhau” - thầy Nguyễn Đắc Thắng nói.
Cũng theo thầy Thắng, ở dạng đề đại trà (thi học kỳ), sự sáng tạo trong tư duy có tỷ lệ nhỏ, giáo viên không đặt nặng tính sáng tạo cho học sinh mình. Có nghĩa, đây là dạng đề phục vụ cho đại đa số học sinh, cảm giác học sinh trung bình nào cũng có thể tiếp cận. Còn dạng đề chuyên biệt (dành cho lớp, lứa năng khiếu), tính sáng tạo trong tư duy sẽ được phát huy tối đa, với các dạng đề mở.
Là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc ra đề, trong đó có môn Toán, thầy Nguyễn Đắc Thắng vẫn tỏ hoài nghi: “Tôi cho là có nhầm lẫn gì đó, chứ rất khó có việc thầy cô khi ra đề thi học kỳ - dạng đại trà, lại có thể gây khó cho học sinh đến vậy”.
Trả lời báo giới xung quanh câu chuyện đề thi ở quận Thanh Xuân, TS. Nguyễn Sơn Hà - Ban Soạn thảo chương trình phổ thông môn Toán 2018 cho rằng, những người ra đề khó và phức tạp như vậy đối với một kỳ thi dành cho đa số học sinh không chuyên Toán, đã vô tình “giết chết niềm tin của các em đối với việc học Toán”.