Bộ GD&ĐT cho hay, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong số 4 môn thi (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn) thì môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi: trắc nghiệm nhiều lựa chọn,trắc nghiệm dạng Đúng/Sai và trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn là dạng thức quen thuộc, đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam. Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này còn các môn trắc nghiệm còn lại chỉ có một phần dùng dạng thức này.
Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi.
Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Bộ GD&ĐT đánh giá, hai dạng thức trắc nghiệm mới qua thử nghiệm thực tế cho thấy phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.
Theo cấu trúc định dạng đề thi, thời gian thi của môn Ngữ văn là 120 phút; môn Toán 90 phút; các môn khác 50 phút.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thí sinh, để bảo đảm phù hợp với mục đích yêu cầu của kỳ thi, số lượng câu hỏi/lệnh hỏi cho mỗi đề thi cũng như một số vấn đề liên quan có thể được điều chỉnh khi xây dựng đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.