Yếu tố tác động
Những ngày đầu tháng 12, TTCK Việt Nam và cả quốc tế khởi đầu với những yếu tố ngoại cảnh gây bất lợi. Cụ thể, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là Omicron được phát hiện tại châu Phi và đã nhanh chóng lây lan ra 45 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và phần lớn các nước châu Âu, một số nước châu Á đến thời điểm này. Một số nước châu Âu đã cân nhắc đến việc đóng cửa để hạn chế việc lây lan của biến chủng này trước khi các nhà khoa học đánh giá được tác động của nó đến sức khỏe con người và kháng thể với các vaccine.
Trước khi các nhà khoa học tại Mỹ thông tin rằng biến thể Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ trên người và ít gây tử vong thì hàng loạt các thị trường chứng khoán cả châu Âu, Mỹ, châu Á đều giảm điểm sâu. Trong đó, TTCK Việt Nam cũng không ngoại trừ. VN-Index ngày 3/12 đã mất gần 40 điểm và hôm qua, ngày 6/12 đã mất gần 30 điểm.
Đánh giá về những yếu tố nội tại nền kinh tế Việt Nam thì chuyên gia chứng khoán tại SSI cho rằng có khá nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường tích cực.
Cụ thể, với nhóm ngân hàng, các mảng hoạt động chính dự báo sẽ tiếp tục có sự hồi phục tốt so với mức thấp của quý 3/2021 do giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do nền tảng so sánh cao của quý 4/2020 nên mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của cả nhóm so với cùng kỳ sẽ chỉ ở mức thấp trước áp lực dự phòng vẫn còn tương đối lớn và quy mô dư nợ tái cơ cấu tăng lên.
Mặc dù vậy, chủ đề tăng vốn vẫn được quan tâm và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ vẫn tương đối tốt ở một số mã ngân hàng riêng lẻ. Ở phần còn lại của thị trường, triển vọng tăng trưởng vượt trội hơn mặt bằng chung vẫn ghi nhận đáng kể ở một số ngành được hưởng lợi từ giá hàng hóa hoặc hoạt động xuất khẩu tăng mạnh như sắt thép, phân bón, đường, hóa chất, thủy sản hay cảng biển và logistics. Bên cạnh đó, tăng trưởng của các ngành chứng khoán và bán lẻ dự kiến cũng sẽ tích cực.
Số liệu tháng 11 cho thấy bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn đang tạo điều kiện thuận lợi cho kênh chứng khoán, lạm phát đang được kiểm soát, tỷ giá ổn định và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% trong tháng 11, sau 4 tháng trước đó suy giảm. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 11 khi hoạt động xuất khẩu hồi phục mạnh trở lại, đạt 29,9 tỷ USD, tăng mạnh 18,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,1% so với tháng 10. Dự kiến, ngành da giày có thể tăng trưởng 5% trong năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 1,84%, cho thấy lạm phát đang được kiểm soát tốt. Các gói kích thích kinh tế vĩ mô vẫn đang được triển khai tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Trọng tâm của tháng 12 sẽ là những thông tin chi tiết hơn về chương trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023. Dòng tiền trên thị trường rất năng động có thể bám sát vào các yếu tố này để tìm kiếm cơ hội.
Trong nguy có cơ
Theo phân tích của chuyên gia chứng khoán tại SSI, cho rằng cung chốt lời gia tăng trong ngắn hạn và chỉ số VN-Index trên thị trường lùi về ngưỡng 1.413 điểm sau phiên 6/12. Mặc dù sắc đỏ chiếm ưu thế ở phiên ngày hôm qua và trạng thái thận trọng là tâm lý chủ đạo trên thị trường. Tuy nhiên, SSI nhận định “trong nguy luôn có cơ”, thị trường vẫn có những điểm tích cực đang mang lại cơ hội cho nhà đầu tư.
Thứ nhất định giá thị trường giảm: Định giá thị trường sau 2 phiên biến động mạnh, trailing P/E của VN- Index thu hẹp về ngưỡng 16,7 lần, thấp hơn mức đỉnh tạm thời trong năm 2021 là 19,2 lần và mức đỉnh 2018 là 22 lần. Nếu sử dụng ước tính của SSI Research dành cho danh mục các cổ phiếu đang phân tích, mức P/E dự phòng cho năm 2022 là 14,75 lần, một mức hấp hẫn dành cho nhà đầu tư trung và dài hạn.
Sau 2 phiên giảm mạnh, TTCK đã có những tín hiệu tích cực, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt xanh điểm. |
Thứ 2, thị trường “hạ nhiệt”: VN Index đi lên từ cuối tháng 10 đến tháng 11/2021, hình thành vùng đỉnh mới 1.511 điểm, đi cùng với nền thanh khoản lớn. Khối lượng giao dịch trong giai đoạn này của HOSE đạt mức kỷ lục với nhiều phiên đạt trên 1 tỷ cổ phiếu. Dòng tiền đã mua vào trong khoản thời gian kể trên nhiều khả năng đã tiến hành chốt lời hoặc dừng lỗ trong 2 phiên vừa qua. Do đó, thu hẹp lực cung tiềm năng dành cho thị trường. Bên cạnh đó, diễn biến này cũng góp phần thu hẹp lượng margin hiện đang cung ứng, đúng với tâm lý thị trường khi có những tác động ngoại cảnh.
Thứ ba, nến rút chân: Trong phiên giao dịch đầu tuần, VN Index biến động mạnh trong phiên chiều và có thời điểm lùi về vùng tâm lý 1.400 điểm. Quanh vùng hỗ trợ này, lực cầu gia tăng trở lại và giúp cho chỉ số thu hẹp đà giảm đồng thời nến ngày của VN-Index cho thấy trạng thái rút chân. Đây là tín hiệu cho khả năng hồi phục của VN Index trong phiên tới. Vùng mục tiêu gần của chỉ số là khu vực MA50 tại 1.425 điểm.
Thứ tư, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt: Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 11 đạt mức kỷ lục 221.314 tài khoản, tăng 70% so với tháng 10 và cao hơn cả năm 2019, đang cho thấy tính hấp dẫn của thị trường. Mặc dù hiệu chỉnh tương đối nhanh từ vùng đỉnh 1.511 điểm, tuy nhiên VN-Index hiện vẫn cho mức sinh lời +28% so với thời điểm cuối năm 2020. Điểm tích cực của thị trường trong phiên hôm qua là nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng trên 300 tỷ đồng.
4 điểm tích cực phân tích kể trên, cho thấy đây là giai đoạn thích hợp để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn. P/E năm 2022 của SSI phân tích ở khoảng 80% đơn vị vốn hóa trên HOSE hiện đang ở mức 13,75 lần là mức rất hấp dẫn. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron, SSI cho rằng đó chỉ là rủi ro cho thị trường trong ngắn hạn nhưng lại là cơ hội rất tốt cho thị trường trong dài hạn khi các hãng dược lớn đều khẳng định họ có thể sản xuất vắc xin mới trong vòng 3 tháng, làm giảm thiểu khả năng các đợt đóng cửa kéo dài của các quốc gia trên diện rộng như trước đây.
Ngoài SSI, đại diện Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cũng cho biết: Đây là cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận dài hạn khi bức tranh kinh tế trong nước vẫn cho tín hiệu tích cực.