Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4 hồ thuỷ điện lớn đồng loạt xả lũ, Hà Nội chủ động ứng phó

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, 4 hồ chứa thuỷ điện lớn nhất trên hệ thống sông Hồng đã mở hàng chục cửa xả lũ. Nguy cơ ảnh hưởng ngập lụt do mực nước sông Hồng dâng cao đối với các tỉnh thành khu vực hạ du (trong đó có Hà Nội) là không thể chủ quan.

Hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình đang mở 3 cửa xả đáy.
Hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình đang mở 3 cửa xả đáy.

4 hồ thuỷ điện cùng xả lũ

Trên hệ thống sông Hồng hiện nay, 4 hồ chứa thuỷ điện gồm: Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Thác Bà là nhóm hồ có dung tích trữ lớn nhất. Ngoài nhiệm vụ vận hành phát điện, các hồ chứa còn góp phần điều tiết lũ, bảo đảm an toàn cho hồ, đập và vùng hạ du.

Kể từ giữa tháng 7/2024 đến nay, tại khu vực Bắc Bộ ghi nhận thời tiết mưa kéo dài trên diện rộng. Lượng mưa đặc biệt lớn vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, đã gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Hà Giang…

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Phạm Đức Luận cho biết, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Hồng quy định tại Quyết định số 740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã liên tục ban hành công điện, lệnh cho giám đốc các công ty thuỷ điện mở các cửa xả đáy, cửa xả mặt. Mục tiêu nhằm bảo đảm an toàn cho hồ, đập và vùng hạ du.

Tính đến ngày 6/8, cả 4 hồ chứa thuỷ điện lớn nhất miền Bắc gồm: Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Thác Bà, đều đang vận hành điều tiết lũ do lưu lượng nước về hồ lớn. Hiện, mỗi hồ chứa đang mở 3 cửa xả (đáy, mặt). Theo đó, tổng số cửa xả đang mở để điều tiết lũ của 4 hồ chứa là 12 cửa.

Việc gia tăng xả lũ từ các hồ chứa thuỷ điện khiến mực nước sông Hồng trên toàn hệ thống liên tục lên cao. Trong đó, mực nước sông Hồng tại trạm thuỷ văn Hà Nội (khu vực cầu Long Biên) đã liên tục tăng và dự kiến sẽ còn tiếp tục lên cao khi các hồ chứa duy trì xả lũ trong những ngày tới.

Hà Nội sẵn sàng phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu.
Hà Nội sẵn sàng phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu.

Bảo đảm an toàn về người và tài sản

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải, dù mực nước sông Hồng tại điểm quan trắc trạm thuỷ văn Hà Nội hiện vẫn thấp hơn so với mức báo động I (9,5m), tuy nhiên nguy cơ ảnh hưởng ngập lụt là không thể chủ quan nếu các hồ chứa tiếp tục tăng cường xả lũ. Đặc biệt là khi hệ thống sông Hồng đoạn qua trung tâm Hà Nội trải dài gần 40km, với nhiều trọng điểm đê điều xung yếu.

Trong bối cảnh các hồ chứa thuỷ điện gia tăng xả lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ để thông tin kịp thời về vận hành điều tiết lũ của các doanh nghiệp thuỷ điện ở thượng lưu sông Hồng.

Trước thời điểm hồ chứa thuỷ điện tăng cường xả lũ, các địa phương ven sông Hồng đều chủ động nắm bắt để thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, các phương tiện vận tải thuỷ… biết thông tin để chủ động các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, trước khi bước vào cao điểm mưa lũ, từ tháng 6 - 9/2024, đơn vị đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa nước thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Cùng với việc theo dõi chặt chẽ diễn biến xả lũ từ các hồ chứa thuỷ điện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát, sẵn sàng phương án, biện pháp đảm bảo an toàn khi các hồ chứa xả lũ. Đặc biệt là đối với hệ thống đê điều, đê bối, công trình đang thi công, hoạt động khai thác khoáng sản trên các bãi sông, ven sông. 

 

Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ, đặc biệt là tuyến đê sông Hồng, từ cuối tháng 5/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2774/QĐ-UBND phê duyệt Phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai năm 2024; trong đó, TP chỉ đạo các sở ngành, địa phương thường xuyên rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư phương tiện để phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động.