4 lần đấu giá 2 cây sưa đỏ ở Hà Nội không thành, giờ ra sao?

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 4 năm chặt hạ 2 cây sưa đỏ gần 200 năm tuổi trong khuôn viên chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) và trải qua 4 lần tổ chức đấu giá theo quy định, đến nay lô gỗ sưa vẫn nằm “án binh bất động” trong thùng container.

Người dân miệt mài đục đẽo vỏ 2 cây sưa đỏ từ năm 2019 để chờ đấu giá
Người dân miệt mài đục đẽo vỏ 2 cây sưa đỏ từ năm 2019 để chờ đấu giá

2 cây sưa đỏ “khủng”

Sau khi có văn bản hướng dẫn của các sở, ngành TP, ngày 27/1/2019, các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ rồi xếp vào thùng container để ở sân nhà văn hóa, khóa cửa. Đồng thời, lắp camera an ninh xung quanh, cử người thay phiên trông giữ khối tài sản…khổng lồ.

 Trước khi chặt hạ hai cây sưa đỏ, các cụ cao tuổi và người dân thôn Phụ Chính đã thống nhất thành lập Ban khai thác gỗ sưa với 23 người. Qua đó, ngày 27/1/2019, việc tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ gần 200 tuổi với hơn 5 tấn gỗ đã hoàn tất.

Đồng thời, các cụ cưa cây thành gần 40 khúc (thân, cành, gốc) được đánh số thứ tự và lập danh sách quản lý rồi cho vào thùng container để ở sân nhà văn hóa, khóa cửa, quây lưới thép B40. Mặt khác, lắp camera an ninh và cắt cử người thay phiên nhau trông giữ gỗ suốt hơn 4 năm qua.

Người dân miệt mài đục đẽo vỏ 2 cây sưa đỏ từ năm 2019 để chờ đấu giá
Người dân miệt mài đục đẽo vỏ 2 cây sưa đỏ từ năm 2019 để chờ đấu giá

Ngày 15/2/2023, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trở lại nhà văn hóa thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính nơi bà con đang trông nom, bảo quản toàn bộ lô gỗ sưa trong thùng container, đã từng được chặt hạ hồi đầu năm 2019 và được trả giá cả trăm tỷ đồng.

Hiện tại, lô gỗ sưa sau khi chặt hạ từ 2 cây sưa đỏ trong chùa Phụ Chính   được chia thành gần 40 khúc và được bảo quản, cất giữ toàn bộ trong thùng container, được niêm phong và khóa chặt. Bốn ổ khóa ở thùng container giao cho những người uy tín và cán bộ thôn trông giữ.

Nếu bất kỳ ai muốn muốn mở cửa thùng container ra để kiểm tra phải có sự thống nhất của những người trông coi. Ngoài ra, dân làng còn cùng lực lượng công an xã ngày đêm cắt cử nhau bảo vệ thùng container chứa lô gỗ sưa đỏ quý hiếm.

Container gỗ sưa để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính được các cụ thay phiên nhau trông giữ từ năm 2019
Container gỗ sưa để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính được các cụ thay phiên nhau trông giữ từ năm 2019

Sắp đấu giá lô gỗ sưa đỏ

Trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai cho biết: Kể từ khi chặt hạ 2 cây gỗ sưa đỏ rồi cưa ra thành từng khúc để phận loại và cán bộ cũng như người dân địa phương đã nhiều lần chứng kiến việc chính người dân cẩu số gỗ sưa ra cho thương lái vào xem hàng.

Trong đó, có cả khách trong nước và nước ngoài đến xem hỏi mua lô gỗ sưa đỏ. Mỗi lần đưa số gỗ ra khỏi thùng cho khách xem tốn rất nhiều chi phí, nhưng xem xong vẫn chẳng thấy ai đặt tiền mua.

Theo nhiều người chuyên buôn gỗ của địa phương đánh giá, việc lô gỗ sưa đỏ hơn 4 năm qua chưa bán được là do phụ thuộc vào thị trường và thương lái ở bên Trung Quốc. Ở Việt Nam, rất ít người có nhu cầu mua gỗ sưa.

Container gỗ sưa để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính được các cụ thay phiên nhau trông giữ hơn 4 năm qua (ảnh chụp ngày 15/2/2023)
Container gỗ sưa để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính được các cụ thay phiên nhau trông giữ hơn 4 năm qua (ảnh chụp ngày 15/2/2023)

Bên cạnh đó, hơn 2 năm qua là thời điểm xảy ra dịch bệnh kéo dài với diễn biến phức tạp, thị trường Trung Quốc không còn thu mua gỗ sưa ồ ạt như trước nữa từ đó dẫn đến việc số gỗ sưa vẫn chưa thể bán được.

“Do 2 cây sưa bị chặt hạ hơn 4 năm và được đặt trong thùng container ở sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính nguy cơ bị mối mọt. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cũng đã hết nên các cụ cao tuổi và người dân trong thôn đang tính sẽ hoàn thiện thủ tục tổ chức đấu giá lô gỗ sưa” - ông Lai chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Lai cho biết thêm: Hướng của các cụ và người dân cùng cán bộ thôn đang bàn tính trước khi làm hồ sơ tổ chức đấu giá cần phải mở thùng container gỗ sưa ra kiểm tra để định giá lại cho phù hợp với tính hình thực tế hiện nay thì mới bán được.

Chùa Phụ Chính mới được hoàn thành xây dựng từ năm 2019 bằng nguồn tiền khoảng 20 tỷ đồng lấy từ bán một cành cây sửa đỏ trong chùa Phụ Chính cũ
Chùa Phụ Chính mới được hoàn thành xây dựng từ năm 2019 bằng nguồn tiền khoảng 20 tỷ đồng lấy từ bán một cành cây sửa đỏ trong chùa Phụ Chính cũ

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Chính Trần Văn Trung, việc các cụ và người dân thôn Phụ Chính sớm tiếp tục tổ chức đấu giá lô gô sưa đỏ đang được đặt trong thùng container ở sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính là việc làm rất cần thiết.

Bởi việc gỗ được chặt hạ lâu ngày không sử dụng nguy cơ mối mọt, hư hỏng là rất cao. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng như các lực lượng khác của thôn, xã cũng đỡ tốn thời gian, công sức trông nom khối tài sản này.

Mặt khác, khi tổ chức bán đấu giá thành công thì chính nguồn tiền này sẽ được người dân thôn Phụ Chính sử dụng đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phúc lợi của thôn để phục vụ cho chính mình. Không những vậy, còn là để hoàn thiện các tiêu chí NTM cho địa phương.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin nội dung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần