4 lĩnh vực kinh doanh “hái quả ngọt” từ FIFA World Cup Qatar 2022

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến, sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này sẽ mang lại nguồn thu khổng lồ tới 6,5 tỷ USD cho Qatar, vượt kỷ lục trước đó là 5,4 tỷ USD Mỹ tại World Cup 2018 ở Nga.

FIFA World Cup 2022 kéo dài 5 tuần tại Qatar đang mang lại nguồn thu kỷ lục cho quốc gia vùng Vịnh.

Nền kinh tế Qatar được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 4% trong năm nay nhờ các hoạt động liên quan đến World Cup. Ảnh: AP
Nền kinh tế Qatar được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 4% trong năm nay nhờ các hoạt động liên quan đến World Cup. Ảnh: AP

Nhờ đăng cai World Cup 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Qatar ước tính sẽ tăng 4,1% trong  năm 2022, trong đó riêng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới có thể đóng góp tới 20 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo tăng trưởng GDP của Qatar sẽ đạt mức 3,2% trong giai đoạn từ năm 2022-2030.

Với dự báo doanh thu lập kỷ lục so với các vòng chung kết bóng đá thể giới trước đây, nhiều lĩnh vực kinh doanh đang thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ FIFA World Cup 2022 đang diễn ra tại Qatar, từ du lịch đến khách sạn và nhiều lĩnh vực khác. Hãng tin Jumpstartmag.com đã thống kê 4 lĩnh vực có nguồn thu lớn nhất từ FIFA World Cup Qatar 2022:

Du lịch và cơ sở hạ tầng

Ngành du lịch và cơ sở hạ tầng của  các thành viên thuộc Hội đồng hợp tác các nước Ả Rập vùng Vịnh (GCC) nói chung, và của Qatar nói riêng là những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ World Cup 2022. Sự kiện FIFA World Cup Qatar 2022 được kỳ vọng sẽ mang về nguồn thu tới 4 tỷ USD cho ngành du lịch của các nước GCC, trong đó nguồn đóng góp lớn nhất là từ nước chủ nhà.

Trong bối cảnh hoạt động du lịch đang dần phục hồi sau khủng hoảng Covid-19, Qatar đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư để thực hóa mục tiêu đưa doanh thu của ngành du lịch chiếm 12% GDP vào năm 2030. Hơn 220 tỷ USD đã được Qatar chi cho các dự án cơ sở hạ tầng kể từ năm 2010 khi Qatar được chọn làm chủ nhà của World Cup 2022. Ngoài việc xây dựng các sân vận động hiện đại, Qatar đã đầu tư rất "hào phóng", không chỉ cho các sân vận động, mà còn cả tàu cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cảng nước sâu và sân bay khổng lồ.

Ngành khách sạn

FIFA World Cup 2022 cũng mang lại nguồn thu khổng lồ cho lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại Qatar. Ước tính khoảng 1,5 triệu khách du lịch dự kiến sẽ đến Qatar để tham dự các trận đấu của FIFA World Cup 2022, do đó nhu cầu thuê phòng và ăn uống rất lớn. Qatar đã xây dựng mới hơn 150 khách sạn để phục vụ du khách dự FIFA World Cup 2022, và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm cho ngành này sau thời gian diễn ra World Cup. Những khách sạn mới này sẽ tiếp tục đóng góp thêm nguồn thu cho ngành du lịch của quốc gia vùng Vịnh trong những năm tới.

Theo báo cáo của nhà tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank, đến năm 2025, ngành khách sạn ở Qatar có thể tăng trưởng 89% lên hơn 56.000 phòng khách sạn, trị giá hơn 7 tỷ USD.

Bán lẻ và thương mại điện tử

Trong số tất cả các quốc gia GCC, bao gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar, ngành bán lẻ của Qatar trong năm nay dự kiến sẽ đạt doanh thu cao nhất, khoảng 18,5 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc đón hàng triệu du khách đến theo dõi World Cup được xem là cơ hội vàng cho ngành bán lẻ của Qatar.

Theo nghiên cứu thị trường của Redseer, World Cup 2022 được dự đoán sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 6 tỷ USD cho ngành dịch vụ thực phẩm tại GCC. Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) trong khu vực có ​​lượng đơn đặt hàng tăng đột biến, cả trực tuyến và ngoại tuyến. Những người làm dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến ở Qatar và khu vực GCC đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh bổ sung suốt giải bóng đá kéo dài 1 tháng.

Truyền thông và viễn thông

Hơn 3 tỷ người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới sẽ theo dõi các trận đấu của World Cup 2022 tại Qatar. Điều này cũng mang lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp truyền thông và giải trí của nước chủ nhà.

Sân vận động Khalifa tại Doha, Qatar. Nguồn: Reuters
Sân vận động Khalifa tại Doha, Qatar. Nguồn: Reuters

Ngoài nguồn thu từ bản quyền truyền hình phát sóng các trận đấu, các nhà tài trợ cũng dành khoản tiền khổng lồ cho chi phí quảng cáo tại World Cup 2022, ước tính lên tới 1,72 tỷ USD. Theo số liệu của ban tổ chức, các công ty của Trung Quốc là những nhà tài trợ lớn nhất tại World Cup 2022 với tổng trị giá 1,4 tỷ USD. Bốn nhà tài trợ chính thức của Trung Quốc tại World Cup 2022 là Wanda Group, Hisense Group, Vivi và Mengniu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần