Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

49 trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số có chất lượng “rất kém”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đề cập tới trong báo cáo tổng kết 9 năm thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh của Ủy ban Dân tộc vừa được công bố.

Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Kết quả phân tích số liệu điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số trên cả nước cho thấy, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tổng số 4.113 trạm y tế xã. Trong đó, 2.788 trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, 1.276 trạm ở mức độ bán kiên cố; nhưng cá biệt có 49 trạm chất lượng rất kém, tạm bợ.
Trong số 4.113 trạm y tế xã, chỉ có 2.845 trạm y tế có bác sĩ (chiếm 69,2%). Một số tỉnh, tỷ lệ bác sĩ công tác tại các trạm y tế đạt rất thấp, điển hình là: Lai Châu 15,9%; Lào Cai 28,6%; Điện Biên 33,9%... Trong tổng số 26.557 nhân viên các trạm y tế xã, có 12,3% là bác sĩ, còn lại là y tế, điều dưỡng, nữ hộ sinh…
Mặc dù kết quả cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt tỷ lệ cao, song số lượng người khám chữa bệnh và chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại nhiều cơ sở đạt thấp, nhất là tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, tỷ lệ khám bảo hiểm y tế ở tuyến xã năm 2018 là 18,5%, tương ứng với đó, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế rất thấp (năm 2018 đạt 31%).
Trong khi đó, đồng bào dân tộc chủ yếu khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở. Như vậy, phần lớn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi không sử dụng hết, phải điều tiết cho các vùng phát triển, nơi có điều kiện y tế tốt hơn.