Thay đổi rõ nét sau 5 năm
Tại Paris, trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu 2015 (COP21), đó là lần đầu tiên các nước không phân biệt giàu - nghèo cùng nhau tham gia một hiệp ước mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, cam kết giữ nhiệt độ nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C - giới hạn an toàn được khuyến cáo về mặt khoa học - và với mục tiêu không vi phạm 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. 2 tuần hội đàm căng thẳng để đi đến thống nhất Thỏa thuận khí hậu Paris thực chất là đỉnh điểm của gần 3 thập kỷ tranh cãi kể từ khi các chính phủ được cảnh báo về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu vào năm 1990.
5 năm sau, trải qua thực tế nhiều biến cố, bao gồm cả việc Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận, tinh thần và nỗ lực quốc tế về khí hậu đã chịu không ít ảnh hưởng. Tuy nhiên ngay trước thềm lễ kỷ niệm ký kết năm nay, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về Tham vọng Khí hậu diễn ra vào ngày 12/12, đã có những dấu hiệu khởi sắc, từ niềm hy vọng mới vào chủ nghĩa đa phương được củng cố, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa tham vọng và hành động thực chất của các bên tham gia. Cùng nhìn lại những mục tiêu Thỏa thuận Paris 2015 đã đạt được kể từ khi có hiệu lực, và những điều vẫn còn phải tiếp tục.Một trong những thành công nhất của Thỏa thuận khí hậu Paris là việc áp dụng chuẩn 1,5 độ C vào giới hạn mục tiêu đối với sự nóng lên toàn cầu. Từ lâu, đó là mức nhiệt được khuyến cáo bởi các quốc đảo dễ bị tổn thương nhất, liên quan đến sự tồn tại của họ. Nhưng mức chuẩn này từng bị gạt sang một bên vì không khả thi với các cường quốc công nghiệp lớn - những nước chỉ ủng hộ giới hạn 2 độ C. Do đó, sự công nhận chính thức của các nước vào năm 2015 với giới hạn 1,5 độ C được xem là bước tiến lớn. Điều này đã thúc đẩy một báo cáo khoa học vào năm 2018, được thực hiện bởi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, đã chứng minh sự khác biệt của nửa độ đối với hàng triệu sinh mạng, có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.Năm 2020, cụm từ “phát thải ròng bằng 0” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, khi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nối gót EU và Vương quốc Anh trong việc thiết lập các mục tiêu trung hòa carbon. Đáng nói, xu hướng này bắt nguồn từ Thỏa thuận khí hậu Paris, vốn ít được chú ý hơn so với mục tiêu nhiệt độ vào thời điểm được thông qua. Các bên ký kết đã đồng ý cuối cùng là mục tiêu cân bằng phát thải carbon - điều sẽ chuyển giới hạn nóng lên của toàn cầu thành một cột mốc thực tế hơn. Đặc biệt, nó chi phối trực tiếp đến vấn đề đầu tư ngày nay. Chẳng hạn, nếu đặt mục tiêu “phát thải ròng về 0” trong 30 năm nữa, việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện than hoặc một kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) gây ô nhiễm có tuổi thọ thông thường khoảng 40 năm, được cho là điều bất hợp lý.Nếu như vào mùa Xuân năm 2015, cựu Giám đốc khí hậu của Liên Hợp quốc lúc bấy giờ Yvo de Boer phát biểu rằng các nhà máy than vẫn là “sự lựa chọn hợp lý” cho các nước đang phát triển. Nhưng vào năm 2020, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công khai ca ngợi năng lượng gió và năng lượng mặt trời có khả năng phục hồi tốt hơn so với nhiên liệu hóa thạch, trước sự sụt giảm nhu cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Để thấy, Thỏa thuận khí hậu 2015 đã gửi tín hiệu rằng, cải tiến công nghệ sạch là một khoản đầu tư đáng giá và an toàn, trong khi nhiên liệu hóa thạch sẽ ngày càng có nhiều rủi ro, và cuộc khủng hoảng Covid-19 năm nay đã củng cố thông điệp đó.Rộng hơn, bối cảnh tài chính thế giới hiện đã thay đổi rõ ràng theo hướng ủng hộ năng lượng sạch. Các tổ chức tài chính châu Á đang bắt đầu đồng nhất với các đối tác phương Tây trong việc đưa than vào “danh sách đen” - một lập trường gần đây đã được Bộ Môi trường Trung Quốc tán thành. Hơn 400 ngân hàng phát triển công đã cam kết gắn kết các hoạt động của họ với Thỏa thuận Paris và một số ít ngân hàng châu Á đang chịu áp lực ngày càng tăng để tuân theo điều khoản. Liên minh châu Âu (EU) đã coi việc tuân thủ Thỏa thuận khí hậu trở thành điều kiện của mọi thỏa thuận thương mại tự do (FTA) được ký kết kể từ năm 2015, khiến Brazil với nạn phá rừng hoành hành đã gặp khó khi thúc đẩy phê chuẩn FTA với khối Mercosur.Những thực tế nghiệt ngãThực tế khắc nghiệt đã làm rõ những thách thức lớn đối với các mục tiêu mà các bên tham gia đã thống nhất trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nồng độ CO2 trong khí quyển toàn cầu do phát thải đã tăng từ 400 phần triệu (ppm) vào năm 2015 lên 410ppm chỉ 4 năm sau đó. Xu hướng này được cho là chủ yếu bởi các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, khi các ngành năng lượng truyền thống vẫn được khai thác tối đa. Đáng chú ý, một báo cáo mới đây của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho thấy, lượng khí thải đang trên đà tăng này có nguy cơ khiến nhiệt độ toàn cầu vượt hơn 3 độ C so với mức tiền công nghiệp. Điều này được cho chỉ có thể bị ngăn chặn một khi thế giới giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch 6% mỗi năm trong thập kỷ tới, nhưng hầu hết kế hoạch đến năm 2030 của các quốc gia tham gia không phù hợp với mục tiêu này.Cần lưu ý, cụm từ “nhiên liệu hóa thạch” đã không được đề cập trong Thỏa thuận Paris 2015, tương tự các từ “than đá” hay “dầu mỏ” cũng vậy. Trong khi để đạt được các mục tiêu của hiệp ước, gần như phải từ bỏ hoàn toàn việc khai thác các nhiên liệu này - quá phiến diện để các nền kinh tế đang phụ thuộc phần lớn ngân sách vào chúng, chẳng hạn như Nga, Ả Rập Saudi. Do đó, với việc Thỏa thuận Paris không được trang bị đầy đủ để giải quyết động lực này, nhiều bên đang kêu gọi một thỏa thuận khí hậu, chẳng hạn từ Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, nhằm giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch có quản lý.Trong khi đó, biểu hiện của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng và ngày một nghiêm trọng hơn, khi chỉ riêng trong năm nay: Các vụ cháy rừng kinh hoàng ở Australia và California (Mỹ); các đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu, châu Á và cả Bắc Cực; lũ lụt chết người ở châu Phi, châu Á và Trung Tây nước Mỹ; các trận siêu bão xuất hiện đến gần cuối năm… Nguy hiểm hơn, vào năm 2020, khi khủng hoảng khí hậu đến cùng với đại dịch Covid-19 đã làm tăng thêm tác động bất bình đẳng vốn có đối với các cộng đồng bị thiệt thòi và những người sống trong cảnh nghèo đói trên khắp thế giới.Cuối cùng là sự vắng bóng trong cam kết từ hàng không và vận tải biển - 2 ngành hiện chiếm khoảng 5 - 6% tổng lượng khí thải toàn cầu. Các dự thảo ban đầu của Thỏa thuận Paris 2015 đã kêu gọi các cơ quan của Liên Hợp quốc, bao gồm Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Hàng hải Quốc tế cùng đàm phán thỏa thuận khí hậu, nhưng cuối cùng các tổ chức này đã không thể gật đầu với giới hạn 1,5, hay thậm chí mức 2 độ C.Tất cả những thực tế nghiệt ngã này đang là bài toán hóc búa đối với Hội nghị ngày hôm nay, và quan trọng là Hội nghị COP26 tại Anh vào năm sau. Hy vọng từ Thỏa thuận Paris 5 năm tuổi vẫn còn đó, nhưng cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi, rằng là liệu các quốc gia có sẵn sàng để hành động cho những mục tiêu thực chất, hay cần một cơ chế mạnh mẽ hơn để “làm nguội” trái đất?
Hy vọng từ Thỏa thuận Paris 5 năm tuổi vẫn còn đó, nhưng cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi, rằng là liệu các quốc gia có sẵn sàng để hành động cho những mục tiêu thực chất, hay cần một cơ chế mạnh mẽ hơn để “làm nguội” trái đất? |