5 tiết lộ chấn động trong vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ rò rỉ kho tài liệu tình báo của Lầu Năm Góc đã gây chấn động thế giới tuần qua, cho thấy cách Mỹ do thám các đồng minh, nhận định thật sự của Washington về chiến sự Ukraine, cùng tiết lộ rằng ít nhất 2 quốc gia trung lập đang cân nhắc kế hoạch hỗ trợ Nga…

Hình ảnh của các tài liệu tình báo bắt đầu được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội của Nga vào cuối tuần trước, nhưng một số thậm chí đã lưu hành trực tuyến từ hồi tháng Giêng năm nay.

Màn hình tin tức về các tài liệu bị rò rỉ từ Lầu Năm Góc tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/4/2023. Ảnh: AP
Màn hình tin tức về các tài liệu bị rò rỉ từ Lầu Năm Góc tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/4/2023. Ảnh: AP

Lần lượt, CIA, NSA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đều phủ nhận tính xác thực của các báo cáo, nhưng đồng thời Mỹ đã mở một cuộc điều tra về nguồn gốc rò rỉ.

Nhiều đợt tài liệu quan trọng bị lộ đã giáng một đòn mạnh vào các lợi ích và chính sách toàn cầu của Mỹ, đồng thời gây lo ngại cho các đồng minh của Washington và tạo ra bầu không khí mất lòng tin, đặc biệt là trong bối cảnh phương Tây đang ở trong một cuộc đối đầu toàn diện với Nga tại Ukraine.

Dưới đây là 5 tiết lộ lớn nhất từ các tài liệu rò rỉ cho đến nay:

Lầu Năm Góc nghi ngờ sức chiến đấu của Ukraine

Tờ The Washington Post đã trích dẫn một tài liệu được phân loại “tuyệt mật” cho biết, Ukraine dự kiến sẽ tiến hành một cuộc phản công lớn vào mùa Xuân này, nhưng Mỹ đang nghi ngờ khả năng chiếm lại lãnh thổ quan trọng của Kiev.

Theo đó, một đánh giá tình báo hồi đầu tháng 2 đã cho thấy “sự thiếu hụt lực lượng và sự duy trì” đối với quân đội Ukraine.

Ukraine đang nhắm đến việc chiếm lại lãnh thổ ở phía Đông và phía Nam, nơi Kiev kỳ vọng có thể cắt đứt cầu nối đất liền với bán đảo Crimea. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không ít lần công khai khẳng định rằng Ukraine sẽ giành lại lãnh thổ trong cuộc tấn công sắp tới.

Tuy nhiên, các tài liệu rò rỉ lại vẽ nên một bức tranh đen tối hơn, với việc Kiev có khả năng phải vật lộn chống lại các vị trí cố thủ của Nga ở Đông Nam Ukraine, bởi “những thiếu sót” trong huấn luyện và vũ khí.

Một số tài liệu khác cũng chỉ ra, đạn dược dành riêng cho các hệ thống phòng không thời Liên Xô cũ mà Ukraine đang triển khai sẽ sớm cạn kiệt, có khả năng gây nguy hiểm cho Kiev trong cuộc chiến chống lại Nga.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 dự kiến sẽ hết đạn vào tháng 5 tới, trong khi hệ thống SA-11 Gadfly hết đạn vào cuối tháng 3 - theo một tài liệu đề tháng 2 cho biết.

Cả hai hệ thống này hiện chiếm khoảng 89% lực lượng phòng không của Ukraine, có vai trò rất quan trọng để chống lại các cuộc tấn công tên lửa thường xuyên của Nga

Các tài liệu của Lầu Năm Góc cho rằng Ukraine chỉ có thể chịu đựng thêm một vài đợt tấn công tên lửa của Nga.

Hai đồng minh của Mỹ bí mật lên kế hoạch hỗ trợ Nga

Một tiết lộ “gây sốc” khác từ các tài liệu rò rỉ bao gồm thông tin rằng Ai Cập đang bí mật lên kế hoạch hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã ra lệnh sản xuất tới 40.000 tên lửa và vận chuyển tới Moscow - theo một tài liệu được Washington Post trích dẫn.

Ngoài ra, ông El-Sisi được cho còn lên kế hoạch bí mật cung cấp thuốc súng và pháo cho Nga, đồng thời ra lệnh cho cấp dưới của mình giữ bí mật về thỏa thuận vũ khí với các đồng minh phương Tây.

Ai Cập là một đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực Trung Đông, với việc Washington hằng năm cung cấp hơn 1 tỷ USD cho Cairo. Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby hôm 12/4 cho biết Mỹ chưa ghi nhận bằng chứng nào cho thấy Ai Cập đã làm theo các kế hoạch đó.

Một quan chức cấp cao của Ai Cập cũng phủ nhận tiết lộ nói trên trong các bình luận được truyền thông nhà nước đăng tải.

Còn theo đánh giá một tài liệu rò rỉ của tờ AP, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã lên kế hoạch hợp tác với các điệp viên Nga để chống lại các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh.

Theo đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) - cơ quan kế thừa chính của KGB thời Liên Xô cũ - tuyên bố rằng các quan chức an ninh UAE đã đồng ý với kế hoạch nói trên.

Tài liệu của Lầu Năm Góc trích dẫn nguồn tin tình báo, có nghĩa là thông tin có thể đã được thu thập thông qua tin nhắn điện tử hoặc cuộc gọi điện thoại.

UAE - một quốc gia Ả Rập giàu dầu mỏ - là đối tác chiến lược của Mỹ ở Trung Đông nhưng cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga. Một số nhà phân tích nhận định, Nga có thể đã nắm được các phương pháp thu thập thông tin tình báo của Mỹ qua vụ rỏ rỉ lần này, và sẽ sớm hành động để bịt lỗ hổng.

Hàn Quốc lo ngại khi cung cấp vũ khí cho Mỹ

Một số hồ sơ đã chỉ ra khả năng Mỹ do thám Hàn Quốc - một đồng minh lớn của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, về việc hỗ trợ Ukraine.

Các tài liệu bị rò rỉ cho biết Hàn Quốc sẵn sàng cung cấp đạn pháo cho Mỹ để bổ sung cho kho dự trữ của Mỹ, nhưng Seoul cũng lo ngại về việc đạn dược có thể được chuyển hướng sang Ukraine.

Hôm 11/4, Văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát thông báo rằng “một số lượng đáng kể” trong các tài liệu bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ đã bị giả mạo. “Việc nghi ngờ có nghe lén trong Văn phòng Tổng thống là sai lầm” - tuyên bố viết. Nhưng hậu quả từ vụ rò rỉ đã gây ra căng thẳng ở Hàn Quốc.

Đảng Dân chủ ở Hàn Quốc, một đảng chính trị tự do đối lập với đảng bảo thủ hơn của Tổng thống Yoon, đã chỉ trích cáo buộc gián điệp của Mỹ.

“Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc rằng cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ đã thực hiện các hoạt động gián điệp bất hợp pháp chống lại các đồng minh chúng tôi” - Đảng Dân chủ Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 11/4.

Cơ quan tình báo Israel hỗ trợ các cuộc biểu tình trong nước

Mỹ cũng bị cáo buộc đã do thám một đồng minh thân cận khác là Israel, khi một số rò rỉ từ Lầu Năm Góc cho thấy Washington đã nắm được việc cơ quan tình báo Israel, Mossad, đã hỗ trợ các cuộc biểu tình trên toàn quốc để chống lại đề xuất cải cách tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Theo các tài liệu, Mossad đã khuyến khích nhân viên cơ quan và công dân Israel phản đối cải cách tư pháp - động thái sẽ trao cho ngành lập pháp do đảng của ông Netanyahu kiểm soát quyền lực đáng kể, bao gồm cả khả năng bác bỏ các phán quyết đối với Thủ tướng.

Ông Netanyahu đã trì hoãn kế hoạch cải cách gây tranh cãi vào tháng trước sau làn sóng phản đối nổ ra trên khắp đất nước.

Nga suýt bắn hạ máy bay của thành viên NATO

Vụ việc xảy ra vào ngày 29/9/2022, khi một máy bay giám sát RC-135 Rivet Joint của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đang bay qua không phận quốc tế gần bán đảo Crimea của Nga, đã bị bao vây bởi một phi đội máy bay chiến đấu Su-27 do Moscow điều động.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã xác nhận vụ việc, báo cáo với Quốc hội rằng các máy bay phản lực của Nga “liều lĩnh” tiếp cận sát máy bay RAF, và “đã phóng một tên lửa vào vùng lân cận”.

Trước đây người ta tin rằng tên lửa được phóng là do tai nạn, thay vì là một hành động gây chiến có chủ ý. Nhưng tài liệu tình báo tuyệt mật bị rò rỉ được New York Times trích dẫn hôm 12/4 cho thấy vụ việc nghiêm trọng hơn nhiều so với người ta tưởng.

Các nguồn tin của Lầu Năm Góc tuyên bố phi công Nga đã hiểu sai hoàn toàn những gì một nhân viên điều hành radar trên mặt đất đã truyền đạt, từ đó tin rằng anh ta được lệnh nổ súng vào máy bay của RAF.

Nếu một tên lửa của Nga thổi bay Rivet Joint trên bầu trời Biển Đen, Vương quốc Anh và các đồng minh NATO có thể đã buộc phải tham chiến, thể theo Điều 5 trong hiệp ước thành lập liên minh quân sự này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần