56 tỉnh, TP phê duyệt quy hoạch giết mổ tập trung

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/6, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 56/63 (chiếm 84,13%) tỉnh, TP đã được phê duyệt đề án quy hoạch cơ sở giết mổ (CSGM) tập trung giai đoạn 2015 – 2020.

Đánh giá của Cục Thú y cho thấy, trên cơ sở quy hoạch của các địa phương, đến năm 2020 sẽ có 1.431 cơ sở giết mổ lợn tập trung và 672 cơ sở giết mổ gà tập trung. Hiện mới có 249 cơ sở giết mổ lợn và 75 cơ sở giết mổ gà được đưa vào sử dụng, đồng thời chỉ là các cơ sở giết mổ để tiêu thụ thịt nóng tại các địa phương.
Giết mổ công nghiệp tại cơ sở Minh Hiền, huyện Thanh Oai.
Về giết mổ lợn, theo số liệu thống kê đến 4/2016, cả nước có 607 CSGM lợn tập trung, gồm cả 8 CSGM lợn xuất khẩu và 24.149 cơ sở, điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ (trong đó chỉ có 30% được kiểm soát giết mổ). Phần lớn các CSGM nhỏ lẻ có cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, ATTP. Về giết mổ gà, theo số liệu thống kê đến 4/2016, cả nước có 152 CSGM gia cầm tập trung được KSGM và 4.121 CSGM gia cầm nhỏ lẻ, trong đó chỉ kiểm soát giết mổ được 545/4.121 cơ sở (chiếm tỷ lệ 13,22%). Tại hầu hết các tỉnh phía Bắc, gia cầm đưa vào giết mổ tại các chợ, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường cũng như nguồn nước ngầm.

Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay, hầu hết các CSGM đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP đến sản phẩm xuất khẩu, trừ Công ty TNHH Koyu & Unitek tại tỉnh Đồng Nai mới được đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín từ khâu chế biến thức ăn chăn nuôi đến sản phẩm thịt gà chế biến xuất khẩu đã được kiểm tra và đánh giá. Trong khi đó tất cả các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP để xuất khẩu.

Tại Hà Nội, toàn TP hiện có 1.075 CSGM gia súc, gia cầm. Tuy nhiên chỉ có 116 cơ sở được cán bộ thú y kiểm soát, số điểm giết mổ còn lại chưa được kiểm soát của cơ quan thú y do nằm trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ công nghiêp, bán công nghiệp, thủ công tập trung hiện có trên địa bàn TP còn hạn chế, hoạt động với công suất thấp. Các CSGM công nghiệp đã được đầu tư tốn kém nhưng mới chỉ hoạt động được 15 - 30% công suất thiết kế, một số cơ sở đã phải ngừng hoạt động giết mổ dây chuyển hoặc chuyển sang giết mổ sàn đề duy trì hoạt động.

Để giải quyết những tồn tại, khó khăn trên, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống giết mổ chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn TP đến năm 2020. Theo đó đến năm 2020 trên địa bàn TP có 10 CSGM công nghiệp, 37 CSGM thủ công tập trung với công suất thiết kế 991 tấn gia súc, gia cầm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần