6.000 tỷ đồng và 1 triệu lao động

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH vừa có đề xuất Chính phủ trích 6.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động có nguy cơ mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong các DN.

Theo đó, dự kiến sẽ có 1 triệu lao động được thụ hưởng, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/lao động và kéo dài trong 6 tháng (6 triệu đồng/lao động).
Những số liệu có được nêu trên bắt nguồn từ thực tế năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sơ bộ thống kê có trên 1,1 triệu lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng hơn 32% so với năm 2019). Trong khi đó tính đến ngày 31/12/2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư khoảng 84.000 tỷ đồng.
Câu chuyện Chính phủ các quốc gia triển khai các gói cứu trợ do đại dịch Covid-19 là điều không mới, thường thì có hai xu hướng: Trực tiếp hỗ trợ cứu DN qua đó cứu người lao động; trực tiếp hỗ trợ cứu người lao động, còn DN sẽ theo cơ chế thị trường quyết định.

Đến giờ, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các gói hỗ trợ gồm: Gói chính sách tiền tệ trị giá 250.000 tỷ đồng; gói đảm bảo an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng; gói chính sách tài khóa trị giá 180.000 tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ DN và một bộ phận người lao động. Đến giờ, đối tượng hỗ trợ là những lao động cần phải được đào tạo lại do mất việc trước tác động của đại dịch trong các DN.

Trước hết, phải ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong vấn đề này và chúng ta cần phải rút kinh nghiệm từ chính sách vĩ mô của các quốc gia khác trên thế giới. Nếu như các quốc gia châu Âu áp dụng xu hướng thứ nhất thì Mỹ lại áp dụng xu hướng thứ hai đó là cứu người lao động. Chính phủ Pháp đưa ra gói tài chính hỗ trợ DN lên tới 345 tỷ Euro (380 tỷ USD) bằng 15% GDP của Pháp qua hình thức cấp tiền hay khoản vay ưu đãi. Trong khi đó Tổng thống Joe Biden lại đề xuất "Kế hoạch hồi phục" gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho hàng triệu người dân Mỹ với tổng số tiền 400 tỷ USD.

Trở lại câu chuyện Việt Nam, tính đến đầu năm 2021, khoảng 82% DN được khảo sát không nhận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng từ Chính phủ. Lý do chính yếu là các DN không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ, quy trình thủ tục tiếp cận quá khó khăn, không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ và đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa kỳ thì dù dự thảo đã lấy ý kiến 16 bộ ngành, 4 tỉnh, TP và các hiệp hội liên quan nhưng vẫn phải rà soát lại, sửa đổi để các gói hỗ trợ của Chính phủ tập trung vào đối tượng là người lao động.

Như thế các điều kiện để người lao động được hưởng chính sách này là DN cần phải: “Thay đổi công nghệ; Có báo cáo tài chính thể hiện giảm doanh thu từ 20% trở lên của quý/hoặc năm 2020 so với cùng kỳ quý/hoặc năm 2019; Đã đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Có phương án đào tạo, bồi dưỡng để duy trì việc làm cho người lao động” cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nếu không nó lại trở thành rào cản như gói 62.000 tỷ đồng trước đây.

Để tăng tính hiệu quả, không nên quá dàn trải, các đối tượng bị ảnh hưởng nặng gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… cần được ưu tiên hơn. Ngoài ra có một số DN vận tải, trong đó có vận tải hàng không, đường sắt.