TP Hồ Chí Minh:

6 tháng đầu năm giảm gần 40% số người tử vong vì tai nạn giao thông

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình giao thông vận tải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, số người tử vong vì tai nạn giao thông giảm gần 40% so với cùng kỳ.

Ngày 19/6, thông tin với báo chí, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn đại bàn ghi nhận 692 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 182 người chết và 466 người bị thương. Đáng chú ý, số người chết giảm 35,92% so với cùng kỳ năm trước.

Trên địa bàn TP vẫn còn 24 điểm nguy cơ ùn tắc, trong đó có 3 điểm có chuyển biến tốt, 13 điểm chuyển biến nhưng vẫn phức tạp và 8 điểm chưa có chuyển biến.

Về khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt 236,2 triệu lượt, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó vận tải hành khách bằng xe buýt đạt 43,6 triệu lượt, tăng 0,5%.

TNGT tại TP Hồ Chí Minh có những chuyển biến tích cực 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ. Ảnh Minh họa
TNGT tại TP Hồ Chí Minh có những chuyển biến tích cực 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ. Ảnh Minh họa

Bên cạnh đó, tính đến tháng 6/2024, TP Hồ Chí Minh quản lý 9.332.078 phương tiện, tăng 4,49% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết, thời gian qua,TP đã thực hiện nhiều chính sách, hành động đạt hiệu quả cao trong quản lý giao thông đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt ưu tiên việc đi lại của người dân được thuận tiện.

Hiện nay, nhiều trục đường ở TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ để quản lý, hướng tới điều khiển giao thông linh hoạt, giúp điều tiết từng khu vực khi có ùn tắc.

"Cụ thể, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh đang triển khai dự án điều tiết, tổ chức giao thông với các kịch bản có sẵn và sẽ đo đếm lưu lượng, phân tích tình hình giao thông nhằm tối ưu hóa dòng xe giúp giao thông thông thoáng. Dự án này sẽ hoàn tất vào năm 2025", ông Lâm thông tin.

Sở GTVT cũng cho biết thêm, TP đang tập trung nghiên cứu đường trên cao từ quốc lộ 22 đến đường Trường Chinh, Cộng Hòa nối vào sân bay Tân Sơn Nhất… cùng với hệ thống các tuyến đường sắt Metro, từ đó đồng bộ hạ tầng giao thông cho khu vực sân bay trong tương lai.

Cùng với đó, khi Nhà ga T3 - sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa hoàn thiện thì việc tổ chức giao thông khu sân bay Tân Sơn Nhất sẽ từng bước được tháo gỡ.

Để việc tổ chức giao thông được thực hiện tối ưu, ông Lâm khẳng định sẽ chú trọng giải quyết triệt để các vấn nạn như “xe dù, bến cóc”, phối hợp các lực lượng thanh kiểm tra xử lý quyết liệt hoạt động kinh doanh vận tải như đã làm với nhà xe Thành Bưởi…

Đồng thời,  nhiều trục đường ở TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ để quản lý, hướng tới điều khiển giao thông linh hoạt giúp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giảm ùn tắc.

“Về lâu dài, Sở GTVT  kiến nghị nâng cấp sử dụng dữ liệu GPS, pháp lý hóa dữ liệu để đưa vào quản lý, xử lý vi phạm căn cơ như đang thực hiện với việc xử lý xe quá tải và phạt nguội" - ông Lâm chia sẻ.