Với sự quan tâm, đầu tư nguồn lực rất lớn của Hà Nội, đến nay, toàn TP đã có 16/18 huyện, thị xã về đích và đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hà Nội phấn đấu năm 2022, sẽ đưa 2 huyện còn lại là Mỹ Đức và Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày một đổi thay, đời sống của nông dân Hà Nội cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Đan Phượng 66 triệu đồng, Gia Lâm 65 triệu đồng, Hoài Đức 64 triệu đồng, Chương Mỹ 62,5 triệu đồng…
Trong quý IV/2021, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội là hơn 16.930,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 1.049,2 tỷ đồng (chiếm 6,2%).
Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn TP đạt 91,5%. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 75,15% hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh; 98% các thôn phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, năm 2021, ước số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, toàn TP còn 1.363 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06%. Đặc biệt, có 7 huyện hiện nay không còn hộ nghèo gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thanh Trì. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 71,1% (cao hơn 3,59% so với năm 2019 và 0,85% so với năm 2020).
“Năm 2021, toàn TP ước giải quyết việc làm cho hơn 160.068 lao động, đạt 100% kế hoạch. Dự kiến tháng cuối năm, số lao động được tạo việc làm tăng lên, chủ yếu tập trung ở nhóm lao động làm việc theo thời vụ, các làng nghề liên quan tới công việc làm bánh kẹo, mứt tết, trồng hoa quả và số lao động làm thêm giờ tăng đột biến dịp lễ Tết cuối năm...” - ông Nguyễn Văn Chí thông tin thêm.
Theo đánh giá, kết quả giải quyết việc làm cho người lao động của Hà Nội hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm nên kết quả so với năm 2020 giảm 11,4%. Bên cạnh đó, TP cũng đã bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho 10.388 lượt người lao động trên địa bàn vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, ổn định cuộc sống trong đại dịch…