Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

700.000 giáo viên cả nước tham dự buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có buổi gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu với sự tham dự của 700.000 giáo viên.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi đối thoại với giáo viên cả nước
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ, trao đổi với giáo viên cả nước. 

Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu giáo viên cả nước cũng như thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi chứ không phải cuộc đối thoại. Không phải đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định, mà là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Bộ trưởng, các lãnh đạo bộ, các vụ, cục với toàn thể nhà giáo. Gặp gỡ, trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.

Bộ trưởng khẳng định: "Ngành giáo dục và đào tạo của đang triển khai những việc rất lớn và rất khó. Để làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực. Việc càng khó, càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được".

Báo cáo tổng hợp ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết: Để chuẩn bị cho Chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập hợp ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên cả nước qua nhiều kênh khác nhau.  

Sau 2 tháng, có hơn 6.500 ý kiến của khối mầm non và phổ thông được gửi về; trong đó gần 4.000 ý kiến của giáo viên. Hơn 1.300 ý kiến của nhân viên trường học, còn lại là ý kiến của cán bộ quản lý.

Rất nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc tổ chức dạy học và giáo dục học sinh theo những chỉ đạo đổi mới của ngành trong thời gian vừa qua đã thu được những kết quả nổi bật trên nhiều phương diện.

Giáo viên nỗ lực cố gắng nâng cao năng lực ứng đáp với yêu cầu đặt ra. Các trường học, cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện xã hội hóa, tận dụng các nguồn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới phương thức quản trị điều hành, cách thức quản lý chuyên môn theo hướng dân chủ, tập trung, hướng tới nâng cao chất lượng hiệu quả công việc của mỗi cá nhân. Các tổ chức đoàn thể có nhiều hỗ trợ, tài trợ, động viên nhà giáo yên tâm công tác, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Nhiều ý kiến cho rằng: Đây là cơ hội để giáo viên được biết rõ, được hiểu thêm một cách chính thống các thông tin về công việc, các quan điểm chỉ đạo của ngành, các lý giải về khoa học giáo dục trong tiến trình đổi mới.

Đặc biệt, hy vọng chương trình tạo cơ hội cho giáo viên cả nước hiểu biết thêm về cách làm mới, cách làm hay, những sáng tạo của đồng nghiệp trong quá trình đối mặt với thách thức, khó khăn của đổi mới giáo dục, trước những yêu cầu của xã hội, trong bối cảnh đa dạng hóa thông tin như hiện nay.

Nhiều ý kiến phản ánh thực trạng việc tổ chức dạy học và quản lý ở các cơ sở trường học hiện nay; các chế độ chính sách liên quan đến đời sống việc làm; những khó khăn bất cập, những đề xuất giải quyết, tháo gỡ và những câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng.

Cụ thể, có gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp; trong đó có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Có gần 200 ý kiến phản ánh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, việc chuyển ngạch giáo viên thực hiện chậm, chưa cập nhật đầy đủ mã ngạch theo quy định, bất cập trong việc xếp lương sau khi hoàn thành đạt chuẩn trình độ đào tạo… Việc này gây thiệt thòi và ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên, rất mong được quan tâm giải quyết để giáo viên yên tâm công tác.

Có gần 500 ý kiến liên quan đến tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Đa số các ý kiến đề nghị áp dụng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm mon là 55 tuổi. Do đặc thù lao động giáo viên mầm non nên việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 là không phù hợp.

Có 160 ý kiến về thiếu trường lớp học, thiếu nhà công vụ giáo viên, cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đề nghị nâng cấp cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để giáo viên yên tâm công tác, nâng cao chất lượng dạy và học.

Có 41 ý kiến phản ánh về việc thiếu giáo viên cục bộ ở vùng sâu, vùng xa và giáo viên dạy một số bộ môn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về cách thức đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: Với số lượng câu hỏi lớn, một buổi hay nhiều ngày cũng không thể trả lời hết được. Trong thời gian có hạn, Bộ trưởng sẽ mời các nhà giáo từ một số tỉnh thành phát biểu ý kiến, nêu vấn đề; sau đó cùng lãnh đạo Bộ và các vụ, cục trao đổi.

Với những câu hỏi chưa trả lời được, Bộ trưởng sẽ tổ chức và chỉ đạo các vụ, cục tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời theo các chủ đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điểu chỉnh chính sách.

 

Theo kế hoạch, sáng 15/8, Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng sẽ gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.