8 nhiệm vụ trọng tâm trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2023

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtredothi - Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm nay đã được quán triệt thực hiện.

Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại hội nghị.
Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại hội nghị.

Thay mặt Ban ATGT TP trình bày tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã nêu ra những nhiệm vụ trọng tâm mà TP sẽ thực hiện trong năm 2023.

Hà Nội tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn

Theo đó, năm 2023 tiếp tục được TP Hà Nội lựa chọn với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Ủy ban ATGT Quốc gia chọn chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, .

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 29/12/2022 về thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023; Đồng thời gắn trách nhiệm của Giám đốc các sở, Thủ trưởng ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong việc chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp.

TP đề ra mục tiêu tiếp tục giảm TNGT từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí; tập trung giải quyết từ 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút, xử lý kịp thời các điểm đen về TNGT, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

 

Ban ATGT TP Hà Nội đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP; Sở TT&TT, Sở Tư pháp, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí; đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT lồng ghép trong các cuộc họp chi bộ, họp Ban Công tác mặt trận tại khu dân cư, thôn, tổ dân phố; kiên trì vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, gương mẫu xây dựng văn hóa giao thông trên nguyên tắc “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Trước mắt, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt Công điện số 1174/CĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023, đồng thời, tập trung phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong lễ hội Xuân Quý Mão năm 2023.

"Các lực lượng chức năng TP kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, ATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 4429/UBND-ĐT ngày 30/12/2022, hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe” của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô" - ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm công tác đảm bảo trật tự, ATGT năm 2023.
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm công tác đảm bảo trật tự, ATGT năm 2023.

Cả nước tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã nêu rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT năm 2023 trên cả nước.

Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT nhằm áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn.

Ba là, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm những điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.

Bốn là, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Năm là, tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về GTVT; quản lý chặt chẽ việc triển khai thực hiện các quy hoạch, xử lý nghiêm, dứt điểm hành vi vi phạm.

 

Năm 2022, cả nước vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vi phạm về hành lang ATGT đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra" - Ủy ban ATGT Quốc gia

Sáu là, kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.

Bảy là, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật và chia sẻ phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT.

Tám là, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn gia.

 

 Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và HĐND các cấp, sự điều hành của Chính phủ, UBND các cấp và nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông, vận tải dự báo tiếp tục sôi động. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm TTATGT" - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần