Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

85,2% cơ sở cung ứng thuốc được kết nối liên thông

Vân Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có 6.881 cơ sở cung ứng thuốc hiện đang hoạt động, trong đó 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, 3.490 nhà thuốc, 2.262 quầy thuốc.

Việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc về cơ bản đạt tiến độ đề ra, tính đến nay đã có 85,2% cơ sở được kết nối.

Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Hà Nội) Nguyễn Văn Khải cho biết, việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc gặp không ít khó khăn, tiến độ kết nối quầy thuốc tư nhân tại một số huyện còn chậm. Điển hình như huyện Quốc Oai có 36/73 cơ sở (đạt 49,3%) huyện Thanh Oai có 29/53 (đạt 54,7% cơ sở) huyện Sóc Sơn có 213/279 cơ sở (đạt 76,3%) huyện Mỹ Đức có 22/28 cơ sở (đạt 78,6%).

Nhằm giám sát các cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối liên thông, Tổ công tác của TP đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại 11 quận, huyện, thị xã; 2 công ty dược phẩm cổ phần hóa Nhà nước (Hapharco, Hataphar). Qua kiểm tra cho thấy, việc tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kết nối liên thông các cơ sở tại một số quận, huyện chưa được chú trọng. Kiểm tra tại 56 cơ sở đã thực hiện kết nối, một số chưa cập nhật dữ liệu đầy đủ, thường xuyên, một số cơ sở còn chưa thực hiện thành thạo sử dụng phần mềm.

Trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở cung ứng thuốc để nâng cao trình độ công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động kê đơn thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh; việc thực hiện bán thuốc theo đơn của các cơ sở bán lẻ thuốc. Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định.

Đối với Tổ công tác TP, sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và kết quả thực hiện của UBND quận, huyện, thị xã; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại các các cơ sở. UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra chất lượng việc thực hiện kết nối liên thông của các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân; thường xuyên kiểm tra thông tin trên hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” để phát hiện thông tin thuốc hết hạn hoặc sắp hết hạn sử dụng, thuốc bị đình chỉ lưu hành của các cơ sở trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, xử lý nghiêm trường hợp nhà thuốc tư nhân không cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu quy định theo thẩm quyền.