Theo TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nấm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi, ít gặp ở người bình thường có sức đề kháng tốt. Bệnh hay gặp ở người suy giảm miễn dịch, già yếu, mắc bệnh mạn tính lâu ngày.
Tỷ lệ bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% các bệnh phổi, tuy nhiên khi bị nấm phổi không phát hiện điều trị kịp thời, khả năng tử vong rất cao.
Nguyên nhân gây bệnh nấm phổi là do các loại nấm: Candida, Aspergillus, Cryptococcus. Trong đó, hay gặp nhất là loại Aspergillus.
Hầu hết bệnh nhân thường đến khám vì ho ra máu kéo dài không rõ lý do, sốt kéo dài kèm đau ngực, ho khạc đờm kéo dài kèm khó thở như hen. Cùng với đó là các trường hợp chẩn đoán viêm phổi điều trị kháng sinh kéo dài không khỏi.
Bệnh nấm phổi do Aspergillus biểu hiện thầm lặng, không đặc hiệu. Điều này làm bệnh chẩn đoán chậm sau nhiều năm. Triệu chứng hay gặp là mệt mỏi, sụt cân, ra mồ hôi, ho, khó thở, ho ra máu.
Nấm Aspergillus rất phổ biến, lưu hành trong không khí và rất dễ lây. Những bệnh nhân ung thư máu, ung thư các cơ quan khác, sau cấy ghép tạng hoặc điều trị các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu mắc nấm.
Loại nấm này có thể gây bệnh ở những người đã/đang có bệnh tại phổi. Nấm Apergillus gây phá hủy phổi từ từ, mạn tính.
Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu cụ thể về bệnh nấm phổi do Aspergillus. Tuy nhiên, khoảng 50% bệnh nhân đã từng mắc lao, đến khám lại tại các cơ sở chuyên khoa hô hấp mắc nấm phổi do Aspergillus.
Nếu như với bệnh lao, Việt Nam cũng là nước có gánh nặng bệnh tật đứng thứ 11 thế giới, thì với bệnh nấm mạn tính, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới với trên 55.000 ca.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, những trường hợp được phát hiện và điều trị sớm có thể điều trị khỏi bằng các thuốc kháng nấm. Khoảng 1/2 số trường hợp không được điều trị, tử vong sau 5 năm.
TS Nguyễn Thị Bích Ngọc cảnh báo, một phần lớn các trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn cần phải phẫu thuật, nút mạch cầm máu song song với việc điều trị thuốc nấm kéo dài.
Những trường hợp này, nguy cơ tử vong cao trước và sau phẫu thuật. Những trường hợp muộn khác có thể biểu hiện bằng tình trạng suy mòn, khó thở nhập viện thường xuyên vì các tình trạng nhiễm khuẩn phổi.
Hiện nay, 90% người nhiễm nấm phổi còn sót ngoài cộng đồng, nếu không được tầm soát và phát hiện để điều trị, nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện chi phí điều trị một ca nấm phổi rất lớn, có ca nặng phải gánh chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì thế, bảo hiểm y tế đóng vai trò quan trọng để người bệnh nấm phổi được điều trị, tránh bỏ sót ngoài cộng đồng. Tới đây, bệnh viện sẽ xây dựng quy trình chẩn đoán điều trị theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, phù hợp với các quy định của Việt Nam.