92% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trở lại hoạt động

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong quý I/2022, số lượng doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) thành lập mới tăng 47,2% và 845 DN quay trở lại hoạt động, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp phục hồi

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, trong 3 tháng đầu năm 2022, kinh doanh BĐS là ngành có số lượng DN thành lập mới tăng 47,2%. Số doanh nghiệp kinh doanh BĐS quay trở lại hoạt động là 845 DN, tăng 92,0% so với cùng kỳ năm 2021. Trước nhiều động lực tăng trưởng, DN BĐS cũng hướng đến các kế hoạch lạc quan để tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm 2022, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ dự án và mở rộng quỹ đất.

DN đầu tư kinh doanh BĐS quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng mạnh.
DN đầu tư kinh doanh BĐS quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng mạnh.

Sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cuối năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, sau khi hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”, thị trường BĐS dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm, giao dịch cũng tăng dần.

Hầu hết DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS có sự phục hồi rõ nét. Đến thời điểm hiện tại khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động (so với quý IV/2021 là 400 sàn giao dịch), các sàn giao dịch chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, chuyển đổi số trong bán hàng.

“Nhìn chung thị trường BĐS vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức nhưng theo đánh giá năm 2022 sẽ thêm nhiều tín hiệu khởi sắc hơn. Do đây là năm thứ ba sống chung với dịch Covid-19 nên tâm lý người dân dần thích nghi. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động giao dịch vẫn diễn ra, quan trọng hơn các sàn giao dịch BĐS đã có kinh nghiệm và được sàng lọc qua tác động của dịch Covid-19” – Đại diện Bộ Xây dựng cho hay.

Dư nợ ổn định

Mặc dù các DN đầu tư kinh doanh BĐS đã hồi phục mạnh mẽ, nhưng dư nợ tín dụng BĐS vẫn ở mức ổn định. Điều đó chứng tỏ DN đã có sự chủ động trong việc “xoay trở” nguồn vốn hoạt động nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng. Cụ thể, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 783.942 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ của dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS; Dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê 45.532 tỷ đồng (5,8%); Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất 33.335 tỷ đồng (4,3%); Dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng 33.509 tỷ đồng (4,3%); Dự án nhà hàng, khách sạn 57.898 tỷ đồng (7,4%); Cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê 121.153 tỷ đồng (15,4%); Cho vay mua quyền sử dụng đất 101.071 tỷ đồng (12,9%); Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác 203.339 tỷ đồng (25,9%).

Nhìn chung, dư nợ tín dụng của lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS đang chiếm khoảng 20% tổng mức dư nợ tín dụng và đang nằm ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi...

“Thời gian qua, tín dụng vào BĐS đã được kiểm soát rất chặt chẽ, tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật nhằm hạn chế đáp ứng cho mục đích đầu cơ” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin.