Giá dầu thô chua (dầu thô chứa một lượng lớn tạp chất lưu huỳnh) đã tăng trên toàn cầu trong tháng này, sau khi nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Ả Rập Saudi tăng giá và cắt giảm thêm sản lượng.
Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những nỗ lực hỗ trợ giá dầu toàn cầu của nước này đang phát huy tác dụng.
Giá kỳ hạn của dầu Brent Biển Bắc và dầu WTI của Mỹ cũng phục hồi mạnh trong những tuần gần đây - một tín hiệu chứng tỏ thị trường “vàng đen” đang thắt chặt.
Kể từ đầu tháng này, Ả Rập Saudi – nhà lãnh thực tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã nâng mức cắt giảm sản lượng của nước này lên 1 triệu thùng/ngày sau khi giá dầu lao dốc về dưới mức 72 USD/thùng trong mùa Hè này.
Chuyên gia Mark Rossano của công ty cung cấp dữ liệu năng lượng Primary Vision Network, cho biết chính sách cắt giảm nguồn cung dầu của nước này đã tác động lớn đến nguồn cung dầu thô có độ chua trung bình và cao.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác hỗ trợ giá dầu thô chua là việc Chính phủ Mỹ mua dầu để bổ sung cho kho dự trữ chiến lược, sản lượng của Canada sụt giảm do cháy rừng, và những lo ngại về khả năng mùa mưa bão làm giảm sản lượng của Mỹ.
Dầu chua là loại dầu cần có quá trình lọc phức tạp hơn và thường có giá thấp hơn dầu thô ngọt, vốn có hàm lượng lưu huỳnh thấp. Nhưng giá dầu thô chua đã không còn rẻ.
Giá dầu thô Johan Sverdrup có độ chua trung bình của Na Uy cuối tuần trước đã cao hơn giá dầu Brent đến 3,5 USD/thùng, trong khi hồi tháng 12 năm ngoái, giá dầu này vẫn thấp hơn giá dầu Brent hơn 6 USD.
Giá dầu thô chua Mars của Mỹ trong tuần trước đã có thời điểm cao hơn dầu thô kỳ hạn Mỹ ở mỏ Cushing 2 USD/thùng, mức chênh cao nhất trong 3 năm qua.
Giá dầu này cũng đang cao hơn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ, điều rất hiếm khi xảy ra trước đây.
Theo các chuyên gia thị trường, việc Ả Rập Saudi tăng giá dầu bán cho thị trường châu Á hai tháng liên tiếp đã khiến nhiều công ty lọc dầu của Trung Quốc tìm kiếm các nguồn dầu thô chua khác rẻ hơn, từ đó đẩy giá các loại dầu thô chua khác tăng lên.
OPEC lạc quan vào triển vọng nhu cầu
OPEC hôm 13/7 đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ vào năm 2024, bất chấp những khó khăn về kinh tế khi Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng sử dụng nhiên liệu.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết, dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2024, tăng 2,2% so với mức tăng 2,44 triệu thùng/ngày của năm 2023.
Reuters lưu ý rằng dự báo tăng trưởng nhu cầu của OPEC cho năm 2024 cao gấp đôi so với Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh ổn định của thị trường dầu mỏ và tạo thành một phần nền tảng cho các quyết định chính sách của OPEC và các quốc gia đồng minh, được gọi là OPEC+.
Hồi tháng 6 vừa qua, liên minh do Nga và Ả Rập Saudi đứng đầu đã gia hạn hạn chế nguồn cung đến năm 2024 để hỗ trợ thị trường.
Báo cáo của OPEC nêu rõ, cách tiếp cận ưu tiên của OPEC+ và việc cắt giảm sản lượng đã tạo thêm sự ổn định cho thị trường dầu mỏ trong năm nay dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2024.
Theo báo cáo, OPEC nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2023 thêm 90.000 thùng/ngày so với tháng trước.
Các nguồn tin của OPEC tuần trước cho biết tổ chức sẽ giữ quan điểm lạc quan về nhu cầu cho năm 2024 và dự báo mức tăng trưởng cao hơn so với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
OPEC dự kiến nguồn cung từ các nước ngoài khối sẽ duy trì tốc độ như năm nay với mức tăng 1,4 triệu thùng/ngày, chậm hơn tăng trưởng nhu cầu.
Do đó, OPEC dự báo thế giới sẽ cần 30,2 triệu thùng/ngày từ các thành viên để cân bằng thị trường trong năm 2024, tăng 800.000 thùng/ngày so với năm 2023.
OPEC dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới là 2,5% trong năm tới so với 2,6% vào năm 2023, với giả định "lạm phát chung" giảm bớt trong nửa cuối năm và đầu năm 2024. Tổ chức này cũng giả định lãi suất cơ bản sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023.