Theo hãng tin AP, Ả Rập Saudi không đồng ý thay đổi thỏa thuận tăng nhẹ nguồn cung, vốn được OPEC cùng các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, quyết định từ năm ngoái.
Tại một diễn đàn năng lượng ở Riyadh hôm 16/2, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã từ chối lời kêu gọi bơm thêm dầu và nói rằng việc đàm phán lại hạn ngạch giữa các thành viên OPEC có nguy cơ gây ra nhiều biến động hơn trên thị trường dầu mỏ, theo Wall Street Journal.
Ông Brett McGurk, Điều phối viên tại Trung Đông của Nhà Trắng, và ông Amos Hochstein - Đặc phái viên năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 16/2 đã được chính quyền Mỹ cử tới Riyadh để hối thúc Ả Rập Saudi bơm thêm dầu thô nhằm ổn định thị trường nhiên liệu.
Trong tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Salman để thảo luận một loạt các vấn đề Trung Đông, bao gồm cả việc đảm bảo sự ổn định của nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo thông báo của Riyadh, Quốc vương Salman nhấn mạnh "vai trò của thỏa thuận lịch sử của OPEC+", đồng thời khẳng định rằng điều quan trọng là phải tuân thủ hiệp ước của tổ chức do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu.
Giá dầu tăng cao đang gia tăng sức ép đối với lạm phát tại Mỹ, khi vừa chứng kiến mức cao nhất trong 40 năm qua vào tháng 1/2022. Giá dầu Brenr đang “neo” ở mức cao nhất trong 8 năm khi tăng vọt lên 95 USD/thùng. Giá xăng tại Mỹ hiện là 3,50 USD/gallon, tăng 40% so với mức trung bình 2,50 USD/ gallon cùng thời điểm năm ngoái.
Trong khi đó, nhóm OPEC+ hiện đang gặp khó khăn trong việc đạt kế hoạch tăng sản lượng hàng tháng, dù cam kết tăng 400.000 thùng/ngày đến tháng 3 tới. Năng lực sản xuất của các thành viên OPEC+ hiện chưa đạt được hạn mức cho phép theo cam kết của khối về tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày.
Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong năm nay lên 100,6 triệu thùng dầu/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó. Theo báo cáo của IEA, việc OPEC+ không đáp ứng mục tiêu sản lượng trong thời gian dài và tình trạng leo thang căng thẳng địa chính trị đã khiến giá dầu tăng mạnh. IEA cảnh báo nếu tình trạng chênh lệch giữa sản lượng dầu của OPEC+ và mục tiêu do nhóm này đề ra kéo dài, căng thẳng về nguồn cung sẽ leo thang, làm tăng nguy cơ bất ổn, tạo thêm áp lực giá cả và ảnh hưởng lớn đến kinh tế. IEA nhận định mức chênh lệnh giữa sản lượng của OPEC+ và mục tiêu đặt ra đã tăng lên 900.000 thùng/ngày trong tháng 1 vừa qua.
IEA nhận định rằng Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thể giúp ổn định thị trường “vàng đen” toàn cầu nếu hai nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC bơm thêm dầu.