Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ABB: Việt Nam có lợi thế để bắt kịp Cách mạng Công nghiệp 4.0

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghệ sẽ giúp phát huy tiềm năng phát triển của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0.

Đây là nhận định của bà Nirupa Chander, Giám đốc Kỹ thuật số, Khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn ABB trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị.

 

 Bà Nirupa Chander, Giám đốc Kỹ thuật số, Khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn ABB.

Việt Nam đang tăng tốc để bắt kịp guồng quay của cuộc CMCN 4.0? Vậy đâu là những lợi thế và thách thức của Việt Nam, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất?

Việt Nam có lợi thế phù hợp để bắt kịp CMCN 4.0. Các bạn có lực lượng lao động trẻ và hiểu biết về kỹ thuật số. Do đó, việc tận dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 sẽ là chìa khóa để bảo đảm lợi thế cạnh tranh của các bạn. Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sản xuất điện tử của Việt Nam cũng khá lớn.

Theo đó, công nghệ sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam trong khu vực, giúp Việt Nam phát huy tiềm năng trở thành “cứ điểm" cung cấp, nơi các nhà cung cấp trong nước và quốc tế phát triển, hướng tới mục tiêu xuất khẩu cũng như triển khai các công nghệ mới. Theo tôi, sự quyết đoán và phối hợp giữa chính quyền T.Ư và địa phương cùng việc đưa ra các chính sách minh bạch, kịp thời sẽ giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội.

Cụ thể, ngành nào trong ngành sản xuất của Việt Nam cần và có xu hướng áp dụng nhiều công nghệ hơn trong thời gian tới?

Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ là chìa khóa để Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh và đảm bảo vững chắc vị thế là một trung tâm chế tạo toàn cầu. Theo tôi, Việt Nam có xu hướng tăng cường áp dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất. Các DN trong lĩnh vực năng lượng cũng như về cơ sở hạ tầng truyền tải/phân phối điện sẽ cần tận dụng công nghệ kỹ thuật số, để bắt kịp sự biến đổi trong sử dụng năng lượng và nhu cầu tiêu dùng. Điều này sẽ bao gồm việc bổ sung các loại năng lượng tái tạo trong mạng lưới năng lượng và các thiết bị nạp điện để đón đầu làn sóng sử dụng các xe tiêu thụ điện.

Bên cạnh đó, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng sẽ trở nên bền vững hơn với việc tích cực ứng dụng công nghệ. Ví dụ như việc ứng dụng Phần mềm quản lý điều hành sản xuất MES (Manufacturing Execution Systems) đối với các DN sản xuất giúp họ tích hợp 4 tầng từ khâu giám sát, sản xuất, thành phẩm đến tối ưu hóa.

Theo bà, việc ứng dụng công nghệ rộng rãi sẽ tác động tới lợi nhuận của các DN sản xuất như thế nào?

Công nghệ là một trong những chìa khóa mở ra các giá trị tiềm ẩn của DN. Ví dụ, ABB cung cấp các giải pháp kỹ thuật số và kết nối cho phép các DN trong lĩnh vực sản xuất, cải thiện chất lượng, tính linh hoạt, năng suất và giảm chi phí sản xuất. Việc này giúp gia tăng và đem lại lợi nhuận mới cho các DN. Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT đang ngày càng hỗ trợ đắc lực cho các DN đặc biệt là trong các ngành công nghiệp tiêu dùng. Bằng cách sử dụng hệ thống giám sát và các công cụ bảo trì tiên đoán công nghệ cao, các DN trong lĩnh vực này có thể rút ngắn quy trình hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và tốc độ phân phối. Tất cả những lợi ích này sẽ dẫn đến lợi nhuận cho DN.

Có lo ngại rằng việc ứng dụng công nghệ ngày càng tăng, các giải pháp thông minh trong sản xuất có thể tăng năng suất, nhưng đồng thời đe dọa công việc của con người. Bà nhận định gì về điều này?

Mọi tiến bộ công nghệ tất yếu sẽ dẫn đến những thay đổi trong nhu cầu của người sử dụng lao động và người lao động. Thay vì phải "đối đầu” với bánh xe công nghệ, chúng ta phải nắm lấy những cơ hội mà nó mang lại. Để làm được điều đó, Việt Nam phải đảm bảo thế hệ trẻ được đào tạo về chuyên môn và mang tính thực tiễn cao. Là một DN trong lĩnh vực tự động hóa, mục tiêu của ABB là hỗ trợ các DN sản xuất giảm thiểu nguồn nhân lực thực hiện những phần việc quá đơn giản hoặc độc hại. Theo đó, nguồn nhân lực sẽ được phân bổ hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn!