Abenomics và nguy cơ “lệch hồng tâm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe  đã đặt ra kế hoạch “chi trả ngang bằng” làm trọng tâm chương trình hành động nhằm phục hồi nền kinh tế trước nghi ngại chính sách tăng trưởng mà ông đề xuất (còn gọi là Abenomics) đối mặt với nguy cơ thất bại.

Nhật Bản đang muốn tận dụng lực lượng lao động tạm thời để kích thích kinh tế.
Nhật Bản đang muốn tận dụng lực lượng lao động tạm thời để kích thích kinh tế.
Vừa qua, ông Shinzo Abe đã quyết định đưa việc xóa bỏ bất bình đẳng trong lao động Nhật Bản vào trọng tâm chương trình hành động khi lượng lao động tạm thời đã tăng lên con số kỷ lục. Những người làm công việc tạm thời và bán thời gian đang chiếm gần 40% lực lượng lao động. Và để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào này, ông Abe cam kết áp dụng chính sách “chi trả ngang bằng”, buộc các công ty có chế độ đãi ngộ tương đương đối với các công nhân dài hạn và tạm thời trong làm cùng một công việc. Động thái này được đưa ra sau quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng 2,5 năm, công bố kế hoạch tái cơ cấu tài khóa trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang suy yếu. Ông Abe tin tưởng, kế hoạch sẽ giúp kích thích chi tiêu, đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi tình trạng lạm phát.

Masaki Kuwahara, nhà kinh tế cao cấp tại Công ty chứng khoán Nomura ủng hộ kế hoạch này và cho rằng, Nhật Bản cần tận dụng nhiều hơn lực lượng lao động nữ và nhân viên lớn tuổi trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tăng cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại nhận định, kế hoạch này có thể phản tác dụng đối với các công ty Nhật Bản bởi chi phí lao động tăng lên, gia tăng sức ép lên lợi nhuận. Bên cạnh đó, người lao động dài hạn sẽ phản đối bởi lo ngại sẽ bị cắt giảm lương. Trong cuộc khảo sát hồi đầu năm nay, chỉ có 9% các công ty Nhật Bản cho rằng, kế hoạch này sẽ hiệu quả. Sadayuki Sakakibara, người đứng đầu Keidanren, DN vận động hành lang lớn nhất của Nhật Bản cho biết, ông sẽ ủng hộ kế hoạch của ông Abe, nhưng nói thêm rằng cần phải xem xét hệ thống trả lương thực tế của Nhật Bản hơn là chỉ hứa hẹn trả lương như nhau.

Kế hoạch tái cấu trúc nhằm kích thích chi tiêu và phục hồi tăng trưởng là một trong 3 mũi tên của chính sách Abenomics nhằm phục hồi kinh tế sau 2 thập kỷ giảm phát kéo dài. Nhưng các chính sách kinh tế của Chính phủ chưa phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhận định về triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 0,5% năm 2016 và âm 0,1% năm 2017 nếu việc tăng thuế tiêu dùng diễn ra như kế hoạch. Cũng theo IMF, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ chịu tác động tiêu cực của việc đồng Yen tăng mạnh, khi đồng tiền này đang ở mức cao nhất trong 18 tháng so với đồng USD, và trao đổi thương mại với Trung Quốc giảm sút. Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn còn nhiều mặt trì trệ dù các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ đã được thực hiện nhằm đẩy lùi giảm phát, khuyến khích đầu tư của DN và thúc đẩy tiêu dùng còn yếu.

Điều này đã dấy lên nhiều ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản. Đại diện các đảng đối lập tuyên bố, việc một lần nữa hoãn tăng thuế tiêu dùng chẳng khác nào thừa nhận ba mũi tên của Abenomics đã đi lệch hồng tâm. Thậm chí, các đảng đối lập đã kêu gọi nội các của ông Abe từ chức vì không thực hiện được cam kết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần