Ách tắc là điều khó tránh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, ngày 20/10, Nghị định 64/2012/NĐ-CP (NĐ64) về cấp giấy phép xây dựng (CPXD) sẽ chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều địa phương, thời điểm để Nghị định này đi vào cuộc sống sẽ còn phải kéo dài cho đến khi có một thông tư hướng dẫn cụ thể và phù hợp với thực tế. Vấn đề ở chỗ, trong lúc chưa có Thông tư hướng dẫn, việc CPXD ở địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc.

Siết chặt quản lý

Ngày 4/9/2012 NĐ64 đã được ban hành nhằm thay thế các điều khoản trong Nghị định 12/NĐ-CP về CPXD công trình. Khung pháp lý mới được xây dựng theo hướng xiết chặt công tác quản lý, ngăn ngừa tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, vì vậy việc CPXD cũng sẽ chặt hơn. Theo quy định mới, thành phần hồ sơ xin phép xây dựng sẽ phải có thêm các bản vẽ kết cấu chịu lực chính. Trên thực tế, chi phí cho loại bản vẽ này tốn kém hơn nhiều lần so với bản vẽ để CPXD. Hơn nữa, với các công trình có quy mô dưới 3 tầng (theo quy định, quy mô công trình dưới 3 tầng không phải thuê tư vấn), thì cơ quan cấp phép sẽ chính là người phải thẩm định. Khó ở chỗ, nếu đã cấp phép thì vô hình chung cơ quan cấp phép sẽ phải liên đới trách nhiệm về sự an toàn về kết cấu của công trình.

Ách tắc là điều khó tránh - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Theo quy định tại NĐ64, nhà ở nông thôn cũng phải xin GPXD và UBND xã là cơ quan chịu trách nhiệm cấp GPXD. Việc thẩm định hồ sơ xin phép chính quyền các xã được đánh giá sẽ gặp không ít khó khăn do lực lượng cán bộ có chuyên môn còn hạn chế.

Điểm đáng chú ý của NĐ64 là quy định về trường hợp cấp phép xây dựng tạm. Theo đó, các công trình nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, thường được gọi là dự án "treo", sẽ được cấp phép xây dựng tạm. Gỡ cho khu vực có dự án "treo", nhưng NĐ64 lại “siết” hơn đối với công trình nhà ở riêng lẻ trong những dự án đã có quy hoạch 1/500. Từ trước đến nay, đây là loại công trình được miễn giấy phép xây dựng, chủ công trình chỉ phải xây dựng theo mẫu nhà của dự án. Nhưng từ nay trở đi, nhà ở trong dự án phải có giấy phép mới được xây dựng.

Bối rối vì quy hoạch

NĐ64 quy định, nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng mới được CPXD". Theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng là quy hoạch tỷ lệ 1/500. Tại thời điểm này nếu đưa vào áp dụng đúng với "chuẩn" của NĐ64 thì việc cấp phép sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi với nhiều địa phương. Ngay cả những đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, việc phủ quy hoạch chi tiết xây dựng còn là chặng đường dài. Tại TP. HCM mới chỉ có vài ô phố có quy hoạch 1/500. Cả TP chỉ xấp xỉ một nửa diện tích được phủ kín quy hoạch 1/2.000… Để giải quyết cho khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, Nghị định 64/2012 cho phép thay thế bằng quy chế quản lý kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng trên thực tế, những khu vực có quy chế quản lý kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị vẫn là "của hiếm".

Nghị định 64 có hiệu lực, các địa phương phải rà soát, đối chiếu những điều khoản không còn phù hợp với nghị định mới để điều chỉnh. Nhưng với những điểm còn chưa phù hợp với thực tế, địa phương sẽ không thể tự giải quyết mà phải chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng mới có thể bắt tay vào thực hiện. Bà Lê Thị Nhung, Trưởng phòng cấp phép Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã trao đổi trực tiếp với Bộ Xây dựng về các vấn đề liên quan đến việc triển khai Nghị định 64 và đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ. Trao đổi với cán bộ quản lý đô thị tại quận, huyện, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay sẽ chưa thể thực hiện được việc cấp phép theo NĐ64. Trước thực tế này, có thể thông tư hướng dẫn sẽ ra thời hạn để các địa phương có thể phủ kín quy hoạch chi tiết hay có những cơ chế đặc thù đối với các đô thị lớn. Vậy trong khi chờ đợi, người dân ở những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết có được CPXD theo quy định cũ hay không (?). Nếu không có phương án giải quyết, việc CPXD ở các địa phương sẽ bị ách tắc. Kéo theo đó là nỗi lo về vấn nạn xây dựng không phép có nguy cơ bùng phát.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần