Kinhtedothi - Trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADOU) được công bố sáng 22/9 tại Hà Nội, đại diện tổ chức này bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2015 - 2016 nhờ các chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và những cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của DN.
Hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc, Ấn Độ
ADB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực châu Á do tác động tiêu cực từ sự hồi phục chậm của các quốc gia phát triển. Các chuyên gia của ADB cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc, dù đạt mức tăng trưởng 7,3% năm ngoái, nhưng chỉ được dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm nay và 6,7% trong năm 2016. Trong khi đó, Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 7,4% trong năm 2015 và 7,8% trong 2016, thấp hơn 0,4% so với dự báo ban đầu. Cũng theo báo cáo, ADB dự đoán tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ chỉ đạt 5,8 - 6%, thấp hơn so với dự đoán 6,3% đưa ra hồi tháng 3.
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5%
Theo đó, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đưa ra vào đầu năm nay và cao hơn mức tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế châu Á. Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố. Trong đó, sản lượng trong khu vực sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng tới 9,9% trong 6 tháng đầu năm nhờ các DN đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đà tăng trưởng này dự báo sẽ được tiếp tục duy trì khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục. Tốc độ tăng trưởng trong ngành xây dựng cũng tăng tốc nhờ sự hồi phục trên thị trường bất động sản và đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng.
Triển vọng thương mại và đầu tư khả quan hơn nhờ nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam, cũng như việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế công nghiệp lớn trong năm 2016 sẽ khích lệ xuất khẩu và dòng vốn đầu tư.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song theo ADB, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô như sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - một trong các đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam; giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp làm giảm kim ngạch xuất khẩu của các ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp.
Theo ADB, dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng đến 2% so với cùng kỳ năm trước, tại thời điểm tháng 12/2015 do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền, tăng giá xăng dầu và giá điện vào đầu năm nay, cũng như tác động của việc điều chỉnh tỷ giá 3% đối với giá cả nhập khẩu. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm nay có thể nhẹ hơn so với dự báo đã nêu, vì vậy dự báo lạm phát trung bình cả năm đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,9%. "Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam" - ông Sidgwick gợi ý.
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.
|