Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ám ảnh nỗi đau nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những căn bệnh xuất phát từ nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) có thể giết chết bệnh nhân chỉ sau vài ngày, thậm chí sau vài giờ khởi phát.

Ám ảnh nhất vẫn là những cái chết của bệnh nhi. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, kiểm soát nhiễm khuẩn cần được các đơn vị y tế coi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. 
Vô cùng nguy hiểm

Thông tin từ BV Bạch Mai về 2 trong 3 trẻ sơ sinh được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh đến đã có diễn tiến tốt về sức khỏe, 9 trẻ sơ sinh được chuyển lên BV Phụ sản đã thoát khỏi tình trạng nhiễm khuẩn (trong sự cố 4 trẻ sơ sinh tử vong do nhiễm khuẩn BV, 20 trẻ khác bị bệnh nặng được chuyển lên BV Nhi, Phụ sản TƯ và Bạch Mai điều trị) thực sự là niềm vui không chỉ với gia đình bệnh nhi. Bởi lâu nay nhiễm khuẩn BV đã là “ẩn” trong lòng những người mặc blouse trắng một nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Bệnh nhi sơ sinh được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.     Ảnh: Hải Lý

Tiến Dũng Khoa Nhi, BV Bạch Mai
Đề cập đến nhiễm khuẩn BV, một bác sĩ của BV Nhi T.Ư kể câu chuyện đau lòng. Bệnh nhi đó vừa được phẫu thuật, sau phẫu thuật, tim, phổi hoạt động bình thường, sức khỏe ổn định. Trước khi hết ca trực buổi chiều, bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bé, mọi chỉ số đều ổn định. Đến sáng hôm sau, ngay khi đến BV, thấy giường bệnh nhi nằm bỏ không, bác sĩ đang vui vì nghĩ bệnh nhi đã được chuyển xuống tuyến dưới theo dõi. Nhưng điều dưỡng thông báo, em bé đã ra đi trong đêm. “Nghe tin này, tôi lặng người đi, không tin vào tai mình, vì ca mổ thành công ngoài mong đợi, sức khỏe của bé tiến triển rất tốt. Nhưng nhiễm khuẩn BV đã giết chết bé, vi khuẩn tấn công vào máu, cực nhanh và nguy hiểm, dù kíp trực đã nỗ lực hết sức nhưng không thế cứu” - bác sĩ này cho biết.

Còn nhớ, vụ hơn 150 trẻ tử vong do dịch sởi vào năm 2014 là một bài học cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém khiến bệnh nhi bị lây chéo. Nhiều trẻ vào viện khám chỉ vì hắt hơi, sổ mũi, nhưng bị vi khuẩn ở BV tấn công, khiến trẻ mắc thêm nhiều bệnh nguy hiểm. Trong đó, có những loại vi khuẩn kháng tất cả loại kháng sinh, nên mọi phác đồ điều trị đều không hiệu quả. Gần đây nhất là vụ trên 50 trẻ ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên bị bệnh sùi mào gà do lây chéo vì nhân viên y tế không tuân thủ quy trình vệ sinh khi tiểu phẫu. Dù không để lại hậu quả nặng nề, nhưng thêm một lần cảnh báo cho các đơn vị y tế trong việc phòng chống nhiễm khuẩn.

Lây truyền qua 3 con đường

Một khảo sát của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư trên gần 4.000 bệnh nhân của 15 khoa hồi sức tích cực tại 15 BV trên cả nước cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 27,3%. Các BV tuyến T.Ư có tỷ lệ nhiễm khuẩn BV cao hơn BV tuyến cơ sở. Nguy hiểm là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% - 75%. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng từng công bố nghiên cứu trên gần 10.000 bệnh nhân của 10 BV, ghi nhận tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 5,8% và viêm phổi BV chiếm tới 55,4%. Đây là những con số báo động về tình trạng nhiễm khuẩn BV.

Theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn BV không xuất hiện ở bệnh nhân khi nhập viện, nhưng phát triển trong quá trình lưu trú trong phòng bệnh. Nguyên nhân là do không khí trong môi trường BV bị nhiễm khuẩn, từ người bệnh và từ chính các hoạt động chăm sóc và điều trị. Và thông qua 3 đường lây truyền chính trong cơ sở y tế là qua đường tiếp xúc, đường nước bọt bắn và không khí.

Hiện, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập ở hầu hết các BV trong cả nước (92,23% số BV có hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn; 88,66% BV có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 72,27% BV có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn). Tuy nhiên, các BV chưa quan tâm đúng mức công tác giám sát nhiễm khuẩn BV khi chỉ có 35,29% BV có bộ phận giám sát chuyên trách.

Chính vì vậy, tại hội nghị về công tác chống nhiễm khuẩn BV do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ một số đơn vị hoàn thiện mô hình BV mẫu về giám sát nhiễm khuẩn.
Các loại vi khuẩn trong môi trường BV nguy hiểm hơn vi khuẩn ở các môi trường khác vì dễ nhờn với các loại kháng sinh và đặc biệt cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ sinh non. Vì vậy, việc điều trị cho các cháu là rất khó khăn. Tuân thủ các biện pháp đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối cho khu vực nuôi trẻ sinh non không chỉ là nhiệm vụ của riêng nhân viên y tế mà các bà mẹ, người thân cũng phải hết sức lưu ý.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng Khoa Nhi, BV Bạch Mai