70 năm giải phóng Thủ đô

Ấn Độ có thể thúc đẩy giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các nhà quan sát, những nỗ lực làm trung gian hòa giải của Ấn Độ đối với xung đột Nga-Ukraine nhấn mạnh tham vọng khẳng định vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế cũng như cân bằng mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây.

Trong các cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 7 và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định những cam kết của New Delhi trong việc giúp khôi phục hòa bình giữa hai bên thông qua giải pháp chính trị và ngoại giao.

Rajan Kumar, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, cho biết Ấn Độ có lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy hòa bình.

“Bất chấp những áp lực từ phương Tây, Ấn Độ vẫn không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Moscow cũng không muốn New Delhi quá thân thiết với Washington và các nước phương Tây” - Kumar cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại Điện Kremlin ở Moscow vào tháng 7. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại Điện Kremlin ở Moscow vào tháng 7. 

Gần đây, ông Putin thừa nhận những nỗ lực hòa bình của Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil, cũng như cho biết các quốc gia nay có thể tạo ra những bước đột phá thay đổi tình hình.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết ông Modi có thể tận dụng những lợi thế từ mối quan hệ tốt đẹp với hai nhà lãnh đạo Putin, Zelensky và Mỹ để nắm bắt tình hình, rồi từ đó đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Kumar cho rằng hòa bình ở Ukraine phụ thuộc vào hành động của Mỹ.

“Không có một tuyên bố nào từ tổng thống Mỹ về lệnh ngừng bắn hay chấm dứt xung đột, như trường hợp ở Gaza, và Ấn Độ biết điều đó,” ông nói.

Ông Kumar khẳng định Ấn Độ sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm quốc tế lớn hơn, tuy nhiên cần phải cân nhắc về nguồn lực ngoại giao và tài chính.

Trong các chuyến thăm Nga và Ukraine, ông Modi cho biết Ấn Độ sẵn sàng thúc đẩy một giải pháp hòa bình, tuy nhiên sẽ không trực tiếp khởi xướng mà chỉ đóng vai trò trung gian.

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ đang từng bước khẳng định là một quốc gia có trách nhiệm trên toàn cầu, tận dụng mối quan hệ với Nga và phương Tây để tạo ra những thay đổi lớn.

Harsh V Pant, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách đối ngoại tại Observer Research Foundation, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Delhi, cho biết: "Nhiều đối tác của Ấn Độ ở Nam bán cầu đang phải đối mặt với tác động từ xung đột tại Ukraine và quốc gia này đang nỗ lực tìm cách giải quyết, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của mình”.

Chuyên gia này lưu ý Ấn Độ vẫn giữ lập trường nhất quán về một giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine.

Trong khi đó, chuyên gia về đối ngoại Robinder Sachdev cho biết chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã có sự chuyển đổi đáng kể sau khi ông Modi tái đắc cử vào tháng 6.

Sachdev cho biết: "Từ bỏ lập trường thận trọng, Ấn Độ đang có những động thái quyết đoán hơn trên trường quốc tế. Họ tìm cách giải quyết một số thách thức quốc tế cấp bách nhất hiện nay. Điều này khác với cách tiếp cận của đất nước này trong 77 năm qua".

"Liệu Ấn Độ cuối cùng có đóng vai trò là người hòa giải, người điều phối hay đảm nhận một vai trò quan trọng khác hay không vẫn còn phải chờ xem. Điều quan trọng bây giờ là những động thái của Ấn Độ trong việc thúc đẩy đối thoại và đóng góp vào một giải pháp hòa bình khi các điều kiện cho phép" - ông nói.

Vào ngày 12/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval đã gặp ông Putin và thông báo về các cuộc đàm phán của ông Modi tại Ukraine cũng như hướng giải quyết cuộc xung đột.

Trong cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Nga hy vọng ông Modi sẽ tới Kazan vào tháng tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên BRICS.

Ông Putin cũng đề xuất tổ chức một cuộc họp song phương với ông Modi vào ngày 22/10 bên lề hội nghị thượng đỉnh này, theo tuyên bố của đại sứ quán Nga.

Các quan chức cho biết ông Modi và Zelensky có thể tổ chức các cuộc hội đàm vào cuối tuần này vì cả hai đều dự kiến ​​sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Tương lai tại New York.

Sachdev, người sáng lập của Viện Imagindia, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn độc lập có trụ sở tại Delhi, cho biết: "Những dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang dần xây dựng một khuôn khổ".

“Ấn Độ hiện đang hợp tác với các bên liên quan trực tiếp – Nga, Ukraine, Mỹ và châu Âu cũng như Ả Rập Saudi, UAE, Nam Bán cầu, tìm hiểu con đường hợp tác và thúc đẩy các bên hướng tới đối thoại mang tính xây dựng” – ông cho biết.