Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấn Độ đáp trả rắn cảnh báo của Mỹ về thỏa thuận chiến lược với Iran

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đe dọa trừng phạt từ Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ đã lên tiếng bảo vệ việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa New Delhi và Tehran để vận hành cảng nước sâu Chabahar đầu tiên của Iran.

Giữa những lời cảnh báo từ Washington, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 15/5 tuyên bố, thỏa thuận hợp tác giữa nước này với Iran về việc vận hành cảng chiến lược Chabahar là vì “lợi ích của các nước”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, trước cuộc đối thoại cấp bộ trưởng Ấn Độ-Mỹ '2+2' tại New Delhi vào ngày 10 /11/2023. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, trước cuộc đối thoại cấp bộ trưởng Ấn Độ-Mỹ '2+2' tại New Delhi vào ngày 10 /11/2023. Ảnh: AFP

Theo đài RT, Ấn Độ và Iran đầu tuần này đã ký thỏa thuận 10 năm cùng hợp tác và vận hành cảng Chabahar. Thỏa thuận này cho phép các công ty quốc doanh Ấn Độ quản lý và phát triển cảng nước sâu Chabahar đầu tiên của Iran.

Chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận được công bố rộng rãi, ông Vedant Patel - Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã cảnh báo rằng bất kỳ ai hợp tác với Iran cần phải “nhận thức được rủi ro tiềm ẩn mà họ đang phải đối mặt”.

Quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt đối với Tehran sẽ có hiệu lực và được duy trì mà không có sự miễn trừ nào đối với New Delhi.

Đáp trả cảnh báo trừng phạt từ Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden nên nhìn nhận thỏa thuận vận hành cảng  nước sâu Chabahar trên góc độ hợp tác kinh tế.

Đồng thời, người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ lưu ý thêm rằng trước đây Mỹ đã “đánh giá cao” tầm quan trọng của cảng Chabahar có “mức độ liên quan thế nào tới tuyến thương mại giữa các nước”.

Là cảng nước sâu đầu tiên của Iran, Chabahar được Ấn Độ đánh giá là quan trọng khi nước này mở rộng thương mại với Trung Á, Nga và các nơi khác ở châu Âu. New Delhi cũng đang tìm kiếm những tuyến hậu cần thay thế cho các tuyến đường hiện có, vì các tuyến đường thủy truyền thống như Kênh đào Suez bị gián đoạn do căng thẳng địa chính trị.

Cảng Chabahar cũng là trung tâm của Hành lang Vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC) được New Delhi, Tehran và Moscow đặt nhiều kỳ vọng.

Sau khi hoàn thành, INSTC sẽ giảm 40% thời gian vận chuyển giữa Mumbai, Ấn Độ và St. Petersburg. Trong khi Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển cảng từ năm 2003, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã làm chệch hướng sự phát triển của nước này.

Theo báo cáo của Business Standard, cảng nước sâu Chabahar có thể sẽ thu hút được khoản đầu tư khoảng 370 triệu USD, bao gồm 120 triệu USD từ Ấn Độ, để phát triển cơ sở hạ tầng và hạn mức tín dụng 250 triệu USD cho Iran.

Bên cạnh đó, Chabahar sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận Afghanistan, Trung Á và khu vực Á - Âu rộng lớn, trực tiếp cạnh tranh với cảng Gwadar của Pakistan và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, Tiến sĩ Mohammad Marandi, giáo sư văn học Anh và Đông phương học tại Đại học Tehran nói với đài Sputnik rằng, Mỹ có thể “tự bắn vào chân mình” khi liên tục gây áp lực kinh tế thông qua các biện pháp trừng phạt.

Ông Marandi bình luận: "Mỹ từ lâu đã vượt qua ngưỡng mà các nước sẽ chấp nhận liên quan đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những quốc gia và thực thể khác nhau. Chính quyền Washington đang nỗ lực đưa ra các điều khoản với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Iran, Nam Phi”.

“Về lâu dài, Mỹ đang tự làm tổn thương chính mình khi nhiều nước hạn chế sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại, điều đó có nghĩa là sẽ có tình trạng dư thừa USD và dẫn đến lạm phát tăng kỷ lục như chúng ta đang thấy ở Mỹ” -  vị chuyên gia nhấn mạnh.

Giáo sư Marandi lưu ý thêm, Mỹ và châu Âu đang tiến tới chế độ chuyên quyền lớn hơn, đồng thời, có một sự thức tỉnh trên khắp thế giới rằng: Washington và Brussels không có quyền kiểm soát các sự kiện ngoài lãnh thổ của họ.