Ấn Độ và những mối quan tâm mới 

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chuyến đi Nhật Bản, Papua New Guinea và Australia có tầm quan trọng đặc biệt đối với thủ tướng Ấn Độ Narandra Modi. Cả ba đích đến đều ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà ông Modi nhắm tới trong chiến lược "Hướng Đông"

Nhật Bản và Australia cùng với Ấn Độ và Mỹ lập thành cái gọi là Bộ Tứ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ hiện là chủ tịch đương nhiệm luân phiên của nhóm G20 trong khi Nhật Bản đảm trách cương vị tương tự đối với nhóm G7.

Ông Modi muốn dùng sự hiện diện ở khuôn khổ diễn đàn G7 và hợp tác với nhóm G7 để phục vụ cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của nhóm G20.

 Quan trọng không kém đối với ông Modi là chuyến đi tới vùng Nam Thái Bình Dương xa xôi. Ở Papua New Guinea, ông Modi còn cùng lãnh đạo 14 đảo quốc trong khu vực tiến hành cuộc gặp cấp cao lần thứ 3 của Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ - các đảo quốc Thái Bình Dương (FIPIC).

Diễn đàn này được thành lập năm 2014. Cuộc gặp cấp cao lần thứ 3 của FIPIC không được tổ chức vào năm 2020 như dự kiến vì dịch bệnh và bây giờ mới được tiến hành lại.

 Có thể thấy ông Modi đang dành sự quan tâm mới tới vùng Nam Thái Bình Dương. Khu vực này trong thời gian qua thu hút sự quan tâm và can dự trực tiếp của nhiều đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Australia khiến Ấn Độ ý thức được rằng phải tăng cường tranh thủ các nước trong khu vực này và cạnh tranh với các đối tác bên ngoài.

Các đối tác kia chơi cuộc chơi lợi ích và ảnh hưởng ở nơi đây thì Ấn Độ của ông Modi đâu có thể đứng ngoài nhìn. Vươn ra vùng xa này là một trong những phương cách hiệu quả nhất giúp ông Modi thành công với chính sách "Hướng Đông", với những mưu tính lợi ích chiến lược của Ấn Độ trong khuôn khổ Bộ Tứ và trong mối quan hệ hợp tác song phương hiện được thúc đẩy mạnh mẽ của Ấn Độ với Nhật Bản và Australia.