Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Quản lý chất thải hiệu quả là chìa khóa để Hà Nội giảm phát thải bền vững

Kinhtedothi - Theo chuyên gia, Hà Nội cần kiểm soát phát thải từ rác thải một cách toàn diện và bài bản hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Hà Nội đã chính thức ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 13/5/2025 về việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030 trên toàn địa bàn thành phố. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, nhằm làm rõ những cơ hội, thách thức cũng như định hướng triển khai hiệu quả kế hoạch này.

Với góc nhìn của bà, việc triển khai Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải tại Hà Nội hiện nay đang đối mặt với những thuận lợi và thách thức lớn nhất nào?

Tôi cho rằng việc Hà Nội ban hành kế hoạch giảm phát thải là một bước đi hết sức kịp thời và cần thiết, trong bối cảnh hệ thống quản lý chất thải của thành phố đang chịu áp lực ngày càng lớn.

Thách thức nổi bật nhất đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh và dân số không ngừng gia tăng - yếu tố trực tiếp làm gia tăng lượng chất thải phát sinh. Trung bình mỗi ngày, Hà Nội thải ra khoảng 6.700 tấn rác sinh hoạt, tăng gần 20% so với cách đây một thập kỷ. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác này chưa được phân loại tại nguồn, gây cản trở đáng kể cho quy trình xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng. Ảnh: Tùng Lâm

Bên cạnh đó, việc vẫn phụ thuộc vào phương pháp chôn lấp truyền thống khiến lượng khí metan - một loại khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt cao, góp phần thúc đẩy biến đổi khí hậu - tiếp tục phát thải ra môi trường. Đáng tiếc là TP hiện chưa có công nghệ đủ hiệu quả để thu gom và xử lý triệt để loại khí này.

Ngoài hạn chế về công nghệ, nguồn lực tài chính cũng là một rào cản không nhỏ. Mặc dù ngân sách của TP tương đối ổn định, nhưng chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải hiện đại, đồng bộ lại rất lớn. Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác cũng cần được ưu tiên, việc đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác quản lý chất thải là bài toán khó.

Một thách thức khác là sự phối hợp liên ngành và liên cấp còn chưa đồng bộ. Việc thiếu liên kết giữa các khâu từ quy hoạch, thu gom, vận chuyển đến xử lý khiến hiệu quả chung bị suy giảm. Ngay cả những kế hoạch có định hướng rõ ràng cũng sẽ khó đạt hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong thực thi.

Cuối cùng, ý thức và hành động của người dân vẫn là một điểm yếu cần được cải thiện. Dù TP đã đẩy mạnh truyền thông, nhưng thói quen phân loại rác tại nguồn vẫn chưa trở thành phổ biến. Nếu không có sự tham gia tích cực từ cộng đồng, việc chuyển đổi sang mô hình xử lý hiện đại và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.

Theo bà, Hà Nội cần tập trung vào yếu tố nào để thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030?

Theo tôi, để hiện thực hóa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030, Hà Nội cần bắt đầu từ việc cải cách thể chế. Luật Thủ đô năm 2024 đã tạo ra những cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội để thành phố hoàn thiện hệ thống chính sách về phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải và giám sát toàn diện. Đây là nền tảng quan trọng cho sự chuyển đổi lâu dài và bền vững.

Đồng thời, cần xây dựng các mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được cho từng lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Trách nhiệm phải được phân công rõ ràng giữa các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Nếu thiếu nhiệm vụ cụ thể và chỉ số đánh giá rõ ràng, việc kiểm soát tiến độ sẽ gặp khó khăn, và cũng không thể truy cứu trách nhiệm khi không đạt được kết quả mong muốn.

Công nghệ cũng là một yếu tố then chốt. Hà Nội cần đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương, như công nghệ đốt rác phát điện có kiểm soát nghiêm ngặt về khí thải. Song song đó là việc phát triển hạ tầng số đồng bộ, cho phép giám sát theo thời gian thực toàn bộ hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Hạ tầng công nghệ thông tin cần được coi là công cụ quản lý cốt lõi, chứ không chỉ là yếu tố hỗ trợ.

Cuối cùng, sự tham gia của cộng đồng giữ vai trò quyết định. Hiệu quả dài hạn chỉ có thể đạt được khi người dân thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu và phân loại rác, từ đó chủ động thay đổi hành vi. Sự chuyển biến từ ý thức đến hành động của mỗi cá nhân sẽ là lực đẩy quan trọng giúp Hà Nội hướng tới mô hình quản lý chất thải hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Trong bối cảnh đô thị đặc thù như Hà Nội, bà đánh giá thế nào về khả năng phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp trong Kế hoạch 131?

Là Thủ đô và trung tâm chính trị, hành chính, khoa học, giáo dục của cả nước, Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế đáng kể. TP quy tụ hàng loạt viện nghiên cứu, trường đại học cùng đội ngũ chuyên gia có năng lực và tư duy đổi mới. Việc nhiều bộ, ngành Trung ương đặt trụ sở tại Hà Nội cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều phối liên ngành.

Tuy nhiên, những lợi thế này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp thống nhất, liên tục và thực chất giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương. Nếu một nơi làm tốt nhưng nơi khác chưa theo kịp, kết quả chung sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần tránh tư duy cục bộ, triển khai rời rạc.

Đặc biệt, phải tích hợp chặt chẽ giữa quản lý chất thải với quy hoạch đô thị, giao thông và hạ tầng kỹ thuật để giải quyết vấn đề một cách tổng thể, thay vì chỉ xử lý phần ngọn. Nếu có quyết tâm chính trị và cách làm bài bản, Hà Nội hoàn toàn có thể phát huy được tiềm năng vốn có.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một nội dung then chốt trong Kế hoạch 131. Theo bà, Hà Nội cần làm gì để chuyển từ mô hình thí điểm sang triển khai đại trà một cách bền vững?

Phân loại rác tại nguồn là nền tảng không thể thiếu của hệ thống quản lý chất thải hiện đại. Nếu không có bước này, các quy trình tái chế, tái sử dụng hay thu hồi năng lượng sẽ không thể thực hiện hiệu quả. Hà Nội đã thí điểm ở một số địa phương, nhưng để nhân rộng toàn thành phố thì cần một lộ trình rõ ràng, dựa trên thực tiễn.

Trước tiên, cần rà soát, đánh giá toàn diện kết quả các mô hình thí điểm để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó xây dựng kế hoạch mở rộng theo hướng từng bước: từ quy mô nhỏ, tiến tới trung bình rồi triển khai toàn thành phố. Nếu vội vàng mà chưa chuẩn bị kỹ, nguy cơ thất bại sẽ rất cao.

Một người dân đang phân loại rác thải nhựa. Ảnh: Quý Nguyễn

Tôi đề xuất Hà Nội nên thực hiện giai đoạn chuyển tiếp bằng cách lựa chọn các khu vực có nhận thức cộng đồng tốt và hạ tầng phù hợp làm mô hình trình diễn. Khi các điều kiện này được đảm bảo, việc mở rộng sẽ ít rủi ro và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, quy trình triển khai phải đồng bộ.

Nếu người dân đã phân loại rác tại nhà mà khâu thu gom, vận chuyển, xử lý không được tổ chức riêng biệt, hiệu quả sẽ không đạt như kỳ vọng và niềm tin cộng đồng sẽ bị xói mòn. Người dân chỉ thực sự đồng hành khi thấy rõ hành động của mình tạo ra kết quả tích cực như môi trường sạch hơn, cuộc sống chất lượng hơn. Từ đó, sự đồng thuận sẽ được củng cố một cách bền vững.

Bà đánh giá thế nào về hạ tầng công nghệ số hiện tại của Hà Nội trong giám sát và quản lý chất thải? Thành phố cần cải thiện điều gì để đáp ứng mục tiêu kế hoạch?

Hà Nội đã có những bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát và quản lý chất thải, tuy nhiên hệ thống hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác giám sát còn rời rạc, dữ liệu chưa được kết nối xuyên suốt giữa các ngành, các cấp, dẫn đến khó khăn trong điều hành và xử lý tình huống.

Để khắc phục, Hà Nội cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số. Một hệ thống giám sát liên thông, tích hợp cảm biến tại chỗ, phần mềm phân tích và nền tảng quản lý tập trung sẽ giúp theo dõi vận hành theo thời gian thực. Nhờ đó, các cơ quan chức năng có thể kịp thời phát hiện những điểm ùn ứ, quá tải hoặc sự cố trong thu gom, xử lý để điều chỉnh hiệu quả hơn.

Bên cạnh đầu tư công, cần khuyến khích hợp tác công - tư. Nhiều doanh nghiệp công nghệ sẵn sàng tham gia nếu có cơ chế rõ ràng, minh bạch. TP cần ban hành các chính sách về chia sẻ dữ liệu, phân bổ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên để tạo niềm tin và thu hút đầu tư xã hội hóa.

Công nghệ thông minh không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà là giải pháp chiến lược giúp Hà Nội tiết kiệm chi phí dài hạn trong kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng đến phát triển bền vững.

Xin cảm ơn bà!

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ