Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chính trị gia Hy Lạp bất ngờ tuyên bố lệnh trừng phạt Nga của EU phản tác dụng

Kinhtedothi - Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow không phát huy hiệu quả, thay vào đó lại gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế EU khi các nước thành viên buộc phải chuyển sang nhập khẩu nguồn năng lượng đắt đỏ hơn từ Mỹ và các nước khác, theo nhận định của chính trị gia Hy Lạp Kostas Isikhos.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tass ngày 8/7, ông Kostas Isikhos, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hy Lạp, lãnh đạo đảng Liên minh Dân tộc Hy Lạp và Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế Những người bạn của Crimea cho rằng việc châu Âu từ bỏ nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga là một lựa chọn sai lầm, khiến nền kinh tế EU phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Ông Isikhos cho biết trong suốt hơn 70 năm, các quốc gia châu Âu đã nhập khẩu năng lượng từ Liên Xô và sau này là Liên bang Nga với giá ưu đãi. Hiện tại, nguồn năng lượng đó đang bị thay thế bằng các loại nhiên liệu đắt đỏ hơn từ Mỹ và những nước khác.

"Các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga hoàn toàn phản tác dụng vì gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, công nghiệp, chuỗi cung ứng thực phẩm và đời sống của người dân EU”, ông Isikhos nhấn mạnh.

Theo vị chính trị gia này, các biện pháp trừng phạt của Brussels không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn lan rộng sang các lĩnh vực văn hóa, truyền thông và du lịch.

Ông Kostas Isikhos, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hy Lạp, nhận định rằng lệnh trừng phạt Nga của EU phản tác dụng. Ảnh: Oilprice

Ngoài ra, ông Isikhos còn bày tỏ lo ngại về xu hướng quân sự hóa nền kinh tế châu Âu, với sự gia tăng đầu tư vào công nghiệp quốc phòng. “Các nước thành viên EU đang có xu hướng ưu tiên cho lĩnh vực quân sự nhiều hơn, thay vì tập trung phát triển vì lợi ích dân sinh”, nhà chính trị gia Hy Lạp cảnh báo.

Cựu quan chức quốc phòng Hy Lạp cũng thẳng thắn chỉ trích việc một số quốc gia EU trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine, thông qua việc cung cấp vũ khí, điều động lính đánh thuê và cử cố vấn quân sự hỗ trợ chính quyền Kiev.

Theo ông Isikhos, để duy trì một trật tự hòa bình lâu dài tại châu Âu, không thể loại bỏ vai trò của Nga khỏi cấu trúc an ninh mới của khu vực. Ông lưu ý thêm rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục leo thang nếu lãnh đạo EU tiếp tục theo đuổi đường lối kích động đối đầu.

Nga phản pháo kế hoạch áp thêm lệnh cấm vận từ EU

Trong bối cảnh EU chuẩn bị tung ra gói trừng phạt thứ 18 được dự báo là “mạnh tay nhất” nhằm vào Moscow kể từ năm 2022, các quan chức Nga đã có phản ứng cứng rắn, đồng thời khẳng định nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng vững vàng và đủ khả năng đối phó với bất kỳ sức ép nào từ phương Tây.

Phát biểu tại triển lãm công nghiệp quốc tế Innoprom 2025 diễn ra tại Yekaterinburg ngày 8/7, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố rằng gần như toàn bộ các lĩnh vực trong nền kinh tế Nga đều đang ghi nhận đà phục hồi và phát triển rõ rệt, bất chấp làn sóng trừng phạt “mạnh chưa từng có” từ các nước phương Tây.

Trong khi đó, chính các quốc gia áp đặt các lệnh cấm vận đối với Moscow lại đang đối mặt với tình trạng sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể.

Theo Thủ tướng Mishustin, Moscow đang theo đuổi một bước đột phá trong lĩnh vực công nghiệp, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, giới chuyên gia, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định, Moscow hoàn toàn có đủ năng lực và kinh nghiệm để ứng phó với mọi biện pháp trừng phạt “thái quá” từ EU.

“Trí tưởng tượng của EU trong vấn đề trừng phạt là không giới hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có đủ năng lực để chống lại sức ép này, từ việc bảo vệ các lợi ích phát triển kinh tế- xã hội, cho đến áp dụng các biện pháp đối phó phù hợp”, ông Grushko cho hay.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko. Ảnh: Tass

Liên quan đến tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot rằng EU đang chuẩn bị áp đặt gói trừng phạt “mạnh nhất từ trước đến nay”, ông Grushko nói rằng “lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất chính là sự im lặng của EU trước vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream”.

Thứ trưởng Grushko lưu ý thêm rằng phương Tây đang tiếp tục hành xử mang tính đối đầu, nhưng Nga đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó.

Các tuyên bố cứng rắn trên được giới chức Nga đưa ra sau khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết EU đang chuẩn bị áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn nhất nhằm vào Nga kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine năm 2022.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 ngày 7/7, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot thông báo: “EU, phối hợp cùng các thượng nghị sĩ Mỹ, đang chuẩn bị áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong 3 năm qua với Nga dựa trên các đề xuất của Pháp”.

Ông nói thêm: “Các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến doanh thu dầu mỏ của Nga, các tổ chức tài chính Nga và các bên trung gian ở các quốc gia khác giúp Nga né tránh trừng phạt”. 

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ