Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hé lộ quốc gia sẽ chịu mức thuế cao nhất từ Mỹ

Kinhtedothi - Theo các nguồn tin, động thái này xuất phát từ quan điểm của ông Trump rằng Brazil áp dụng chính sách thương mại và kiểm soát thông tin thiếu công bằng với Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra cảnh báo áp thuế mới với Brazil, đồng thời mở rộng phạm vi điều tra thương mại nhằm vào nhiều quốc gia. Động thái này phản ánh lập trường cứng rắn của Washington trong cuộc cải tổ cán cân thương mại toàn cầu, giữa lúc các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra khẩn trương.

Trong một thư chính thức gửi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hôm thứ Tư, ông Trump cho biết Mỹ dự kiến áp mức thuế lên tới 50% đối với hàng xuất khẩu của Brazil bắt đầu từ ngày 1/8. Đây là mức thuế cao hơn đáng kể so với mức 10% được công bố hồi tháng 4. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tiến hành điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với các hành vi bị cho là không công bằng trong chính sách thương mại của Brazil.

Brazil hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Mỹ, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 92 tỷ USD trong năm 2024. 

Các tàu container chở hàng neo đậu tại cảng Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: Tân Hoa xã

Bất chấp việc Mỹ xuất siêu sang Brazil với mức 7,4 tỷ USD, Tổng thống Trump cho rằng mối quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn thiếu sự tương xứng.

Thông báo về Brazil nằm trong loạt biện pháp thương mại được ông Trump công bố gần đây. Ngày 9/7, ông tiếp tục gửi thư tới lãnh đạo sáu quốc gia gồm Algeria, Iraq, Libya, Moldova, Brunei và Philippines, áp mức thuế từ 20% đến 30%.

Cụ thể, Algeria, Iraq và Libya chịu mức thuế 30%, Moldova và Brunei là 25%, còn Philippines là 20%. Động thái này chỉ diễn ra hai ngày sau khi Nhà Trắng gửi thư áp thuế đối ứng tới 14 quốc gia khác, với mức thuế dao động từ 25% đến 40%.

Trước đó, nhiều quốc gia như Sri Lanka, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã nằm trong danh sách bị áp thuế, với thời hạn hiệu lực vào ngày 1/8, trừ khi đạt được thỏa thuận trước thời điểm này.

Đọc thêm: Mỹ kích hoạt làn sóng thuế mới, thế giới hồi hộp chờ 1/8

Các bước đi quyết liệt này diễn ra trong bối cảnh ông Trump cho biết Mỹ đang đạt tiến triển trong đàm phán với EU và Trung Quốc. Ông khẳng định có thể sẽ thông báo mức thuế dự kiến dành cho EU trong vòng hai ngày tới, đồng thời ghi nhận thái độ hợp tác hơn từ khối này so với trước đây.

Trưởng đoàn đàm phán thương mại EU, ông Maros Sefcovic, xác nhận hai bên đang tiến gần đến một khung thỏa thuận, có thể được hoàn tất trước hạn chót ngày 1/8. Tuy vậy, một số quốc gia EU, như Ý, vẫn tỏ ra thận trọng, cho rằng các cuộc thảo luận còn nhiều điểm phức tạp.

Với tổng cộng hơn 20 quốc gia nằm trong danh sách áp thuế mới, các nhà nghiên cứu tại Yale Budget Lab ước tính mức thuế trung bình mà người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt hiện là 17,6% - mức cao nhất kể từ năm 1934. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết doanh thu từ thuế quan đã đạt khoảng 100 tỷ USD và có thể lên tới 300 tỷ USD vào cuối năm nay.

Về phía Mỹ Latinh, các nước như Chile và Mexico đang theo dõi sát sao diễn biến mới. Một ngày sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế 50% với mặt hàng đồng, giới chức hai nước này cho biết đang xem xét tìm kiếm thị trường thay thế nhằm tránh bị ảnh hưởng.

Chile hiện là nhà cung cấp đồng tinh chế lớn nhất cho Mỹ, trong khi Mexico đứng thứ năm. Bộ trưởng Ngoại giao Chile, ông Alberto van Klaveren, nhấn mạnh Washington sẽ vẫn cần đồng nhập khẩu, do chưa có khả năng thay thế toàn bộ nguồn cung từ bên ngoài. Tổng thống Gabriel Boric cho biết đang chờ xác nhận chính thức từ phía Mỹ về đối tượng hàng hóa chịu thuế.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng tuyên bố sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế, đồng thời tiếp tục đối thoại với Mỹ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chính trị gia Hy Lạp bất ngờ tuyên bố lệnh trừng phạt Nga của EU phản tác dụng

Chính trị gia Hy Lạp bất ngờ tuyên bố lệnh trừng phạt Nga của EU phản tác dụng

10 Jul, 07:23 AM

Kinhtedothi - Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow không phát huy hiệu quả, thay vào đó lại gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế EU khi các nước thành viên buộc phải chuyển sang nhập khẩu nguồn năng lượng đắt đỏ hơn từ Mỹ và các nước khác, theo nhận định của chính trị gia Hy Lạp Kostas Isikhos.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ