Pháp lao đao vì khủng hoảng tài khóa giữa làn sóng bất ổn chính trị
Kinhtedothi - Các nhà đầu tư đang dần rút tài sản khỏi thị trường Pháp khi bất ổn chính trị kéo dài làm suy yếu niềm tin thị trường, khiến trái phiếu và cổ phiếu nước này đang ngày một mất giá so với phần còn lại của châu Âu.
Chính phủ trung dung thiểu số của Thủ tướng François Bayrou đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài khóa nghiêm trọng.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12, ông đã vượt qua tám cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và hiện phải tìm cách cắt giảm chi tiêu lên tới 40 tỷ euro (47 tỷ USD) trong ngân sách năm 2026.
Bài toán càng trở nên nan giải khi sự hỗ trợ chính trị hạn chế và nền kinh tế tăng trưởng chậm đang tạo thêm sức ép lên niềm tin thị trường.

Chính phủ trung dung thiểu số của Thủ tướng François Bayrou đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài khóa nghiêm trọng. Ảnh: La tour eiffel
Theo ông Pierre Moscovici, Chủ tịch Cơ quan kiểm toán công và cựu Bộ trưởng Tài chính, các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã giảm nợ nhờ lạm phát, trong khi Pháp lại ngày càng lệch khỏi xu hướng chung của khu vực.
Gần đây nhất là Đức - nền kinh tế lớn khác tại châu Âu, chính phủ mới đang chuẩn bị tăng chi tiêu cho quốc phòng và hạ tầng, đánh dấu bước ngoặt trong chính sách tài khóa mở rộng.
Sự tương phản rõ rệt trên đang dần khiến Pháp trở thành ngoại lệ giữa làn sóng nới lỏng tài chính công tại châu Âu.
Trái phiếu và cổ phiếu Pháp mất điểm trong mắt nhà đầu tư?
Sự bất ổn chính trị và tài khóa khiến giới đầu tư ngày càng dè dặt với tài sản của Pháp.
Trái phiếu Pháp đang phải chịu mức phí bảo hiểm rủi ro cao hơn nhiều so với Đức, ở mức 70 điểm cơ bản, trong khi mức trung bình trước cuộc bầu cử năm ngoái chỉ khoảng 50 điểm.
Đáng chú ý, khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu Pháp và Ý hiện ở mức thấp nhất lịch sử, dù Ý có khoản nợ lớn hơn nhiều.
Nicolas Forest, Giám đốc đầu tư tại Candriam, cho rằng việc trái phiếu Pháp bị đánh giá thấp hơn cả Ý và Tây Ban Nha là điều hoàn toàn bất thường, và ông hiện ưu tiên nắm giữ trái phiếu của hai quốc gia này cùng với Đức.
Cùng quan điểm, ông Simon Blundell của BlackRock, nhà đầu tư lớn nhất thế giới, thừa nhận đang hạn chế nắm giữ trái phiếu Pháp, do biến động chính trị và triển vọng tăng trưởng yếu.
Tâm lý bi quan không chỉ hiện diện trên thị trường trái phiếu. Cổ phiếu Pháp cũng bị giới đầu tư quốc tế quay lưng. Chỉ số CAC 40 chỉ tăng 5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng gấp bốn lần của DAX (Đức) và kém xa chỉ số tổng hợp STOXX 600 của châu Âu.
Trong nước, sự thận trọng đang thấm sâu vào hành vi tiêu dùng. Tổng Giám đốc Carrefour Alexandre Bompard cảnh báo những tin đồn về khả năng Pháp cần tới cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ khiến người dân gia tăng tiết kiệm và làm suy yếu hơn nữa tiêu dùng nội địa.
“Tiết kiệm của người Pháp cao hơn các nước châu Âu khác đến 5 điểm phần trăm, phản ánh mức độ bất ổn chính trị và tài chính cực kỳ cao” - ông nhận định tại một hội nghị ở Aix-en-Provence.
Mặc dù khu vực tư nhân Pháp không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng thương mại với Mỹ như Đức hay Ý, hoạt động kinh tế vẫn liên tục giảm tốc. Các chỉ số sản xuất công nghiệp PMI tháng cho thấy sự yếu kém rõ rệt của Pháp so với phần còn lại của khu vực.
Theo Barclays, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thực sự đang gặp khó, không chỉ là vấn đề kỳ vọng.
Từ đầu năm, dự báo tăng trưởng năm 2026 của Pháp đã bị hạ xuống còn 1%, trong khi Đức được nâng lên 1,3%.
Các chuyên gia nhận định nếu không có cải cách thực chất, mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục bị điều chỉnh giảm trong những tháng tới.
Đọc thêm: Mỹ kích hoạt làn sóng thuế mới, thế giới hồi hộp chờ 1/8
Trước áp lực ngày càng lớn, Bộ trưởng Tài chính công Amélie de Montchalin từng ám chỉ rằng Pháp có thể buộc phải tìm đến IMF nếu không kiểm soát được ngân sách.
Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng người Pháp của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, bác bỏ khả năng này, nhưng cũng cảnh báo Paris không thể tiếp tục trì hoãn việc tái cấu trúc tài khóa.
“Pháp không được miễn trừ khỏi các định luật thị trường. Nếu không thể bay, chúng ta phải học cách hạ cánh và cắt giảm chi tiêu” - ông nói.
Ngay cả khi chính phủ Bayrou vượt qua được mùa Thu đầy sóng gió này, viễn cảnh bất ổn chính trị có thể kéo dài đến cuộc bầu cử năm 2027.
Các chuyên gia cho rằng khi chưa có đảng nào đủ mạnh để chiếm ưu thế tuyệt đối, mọi thỏa hiệp ngân sách đều chỉ mang tính ngắn hạn.
Theo ông Nicolas Forest, Giám đốc đầu tư của quỹ đa tài sản Candriam: “Không có biện pháp nào hiện nay đủ bền vững để cải thiện tình hình tài khóa. Tất cả chỉ là giải pháp tạm thời.”

Bóng đen tiền số: làn sóng bắt cóc giữa lòng Paris gây rúng động nước Pháp
Kinhtedothi - Trong vòng nửa năm qua, nước Pháp liên tục chứng kiến hàng loạt vụ bắt cóc và tấn công nghiêm trọng, trong đó các nạn nhân đều có liên hệ với giới kinh doanh tiền điện tử.

"Sinh khí hậu": Mô hình đô thị tương lai của thủ đô nước Pháp
Kinhtedothi - Kế hoạch tập trung vào cải tạo không gian xanh và nhà ở xã hội ở thủ đô Paris (Pháp) được kỳ vọng sẽ là hình mẫu tương lai cho việc phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Tham vọng “phủ xanh” các bãi đỗ xe ở thủ đô nước Pháp
Kinhtedothi - Một kế hoạch cho thủ đô Paris (Pháp) hứa hẹn sẽ tái sử dụng các làn đường giao thông, xóa bỏ hàng nghìn bãi đậu xe và tạo ra các "ốc đảo" đô thị để đối phó với thời tiết nóng bức khắc nghiệt.