Ukraine muốn EU tịch thu tài sản Nga, trừng phạt các quốc gia mua dầu?
Kinhtedothi - Trong bối cảnh Mỹ tạm ngưng siết trừng phạt, Ukraine đang vận động EU đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn hơn nhằm gia tăng sức ép lên Moscow, bao gồm cả tịch thu tài sản và trừng phạt các nước mua dầu Nga.
Tuần tới, Ukraine sẽ chính thức trình lên EU một sách trắng dài 40 trang, trong đó đưa ra hàng loạt khuyến nghị nhằm mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Tài liệu này được công bố trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định trì hoãn việc siết chặt các lệnh trừng phạt với Moscow, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tuần này.
Một điểm nổi bật trong sách trắng là đề xuất EU thông qua luật cho phép tịch thu tài sản của các cá nhân Nga bị trừng phạt và chuyển số tài sản đó cho Ukraine. Những người bị ảnh hưởng có thể tìm kiếm bồi thường từ chính quyền Nga, theo cơ chế pháp lý được đề xuất. Ngoài ra, Ukraine còn kêu gọi EU xem xét lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia đang mua dầu từ Nga - một biện pháp mà cho đến nay châu Âu vẫn còn do dự áp dụng vì lo ngại hệ lụy chính trị và kinh tế, đặc biệt với các đối tác lớn như Ấn Độ và Trung Quốc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Tài liệu cũng chỉ ra các biện pháp trừng phạt của EU nên vượt ra ngoài lãnh thổ khối, hướng đến cả các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ châu Âu để hỗ trợ các hoạt động của Nga. Đáng chú ý, sách trắng nêu rõ EU cần cân nhắc mở rộng việc sử dụng cơ chế ra quyết định theo đa số, nhằm vượt qua rào cản đồng thuận trong nội khối, vốn từng nhiều lần làm chậm trễ các gói trừng phạt chung.
Mặc dù Ủy ban châu Âu chưa đưa ra phản hồi chính thức về đề xuất của Ukraine, nhưng không khí trong khối đang cho thấy sự sẵn sàng thảo luận sâu hơn về các lựa chọn cứng rắn. Hôm thứ Ba vừa qua, cả EU và Anh đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Moscow, đồng thời khẳng định hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành. Tuy nhiên, việc Washington chưa có hành động cụ thể đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu cân nhắc con đường độc lập hơn trong chiến lược gây áp lực kinh tế.
Một nguồn tin từ chính phủ Ukraine cho biết ông Trump đã gọi điện cho các lãnh đạo châu Âu và Ukraine sau cuộc nói chuyện với ông Putin, thông báo ông không muốn đưa ra lệnh trừng phạt mới vào thời điểm hiện tại, để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.
Về mặt ngoại giao, Ukraine vẫn tránh công khai chỉ trích Washington, nhất là sau sự việc Tổng thống Zelensky bị nhắc nhở tại Nhà Trắng vào tháng Hai. Tuy nhiên, nội dung sách trắng cho thấy rõ mối lo ngại ngày càng gia tăng về cam kết lâu dài của Mỹ trong việc duy trì và phối hợp các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Theo sách trắng, Washington hiện đã rút khỏi phần lớn các nền tảng hợp tác quốc tế liên quan đến trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu.
Tài liệu cũng nêu việc Mỹ làm chậm tiến trình giám sát giá trần dầu Nga, giải tán lực lượng đặc nhiệm liên bang phụ trách truy tố vi phạm trừng phạt và điều chuyển nhân sự chuyên trách sang lĩnh vực khác.
Đọc thêm: Covid-19 bùng phát trở lại ở châu Á, Thái Lan cảnh báo làn sóng lây nhiễm giữa mùa cúm
Hai gói trừng phạt quy mô lớn của Mỹ - một do chính quyền soạn thảo và một do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề xuất - hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Trump có phê duyệt hay không. Theo báo cáo, sự thiếu rõ ràng trong lập trường của Mỹ đã làm chậm tiến trình phối hợp quốc tế về các biện pháp trừng phạt, song không làm suy giảm quyết tâm của Liên minh châu Âu. “Ngược lại, đây có thể là thời điểm để EU vươn lên giữ vai trò dẫn dắt trong việc duy trì sức ép đối với Moscow” - báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận châu Âu khó có thể thay thế vai trò kinh tế của Mỹ hoàn toàn, do đồng USD vẫn là đồng tiền chi phối các giao dịch thương mại toàn cầu. Trong khi đó, đồng euro chưa đủ sức tác động tương đương.
Tuy nhiên, theo ông Craig Kennedy - chuyên gia về Nga tại Trung tâm Davis, Đại học Harvard - việc Mỹ giảm bớt các biện pháp trừng phạt không đồng nghĩa với việc Nga sẽ nhanh chóng thu hút trở lại dòng vốn đầu tư quốc tế, miễn là EU vẫn giữ vững lập trường. “Châu Âu sở hữu nhiều đòn bẩy hơn so với suy nghĩ thông thường” - ông nhận định.
“Nếu EU kiên định, các biện pháp trừng phạt vẫn có thể phát huy hiệu quả, ngay cả khi thiếu sự hậu thuẫn đầy đủ từ Mỹ.”

Tổng thống Trump sẽ điện đàm với Tổng thống Putin: cơ hội ngừng bắn ở Ukraine
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tuần tới, trong nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Ukraine.

Tổng thống Trump – Putin điện đàm hơn 2 tiếng: hòa bình cho Ukraine đã cận kề?
Kinhtedothi - Ngày 19/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ. Cuộc trò chuyện được cả hai bên đánh giá là "thẳng thắn, mang tính xây dựng và cực kỳ hữu ích", mở ra triển vọng mới cho tiến trình hòa bình tại Ukraine.

Tuyên bố mới nhất của Nga liên quan đến Bản ghi nhớ hòa bình Ukraine
Kinhtedothi - Giới chức Nga nghi ngờ ý định đàm phán từ Ukraine, đồng thời cho rằng không thể ấn định thời hạn cho bản ghi nhớ hòa bình với Kiev.