Ấn Độ và ước mơ vươn tới mặt trời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân Ấn Độ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Là quốc gia mới nổi, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn về an ninh năng lượng và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vàng để Ấn Độ đóng vai trò thủ lĩnh tiên phong trong lĩnh vực phát triển năng lượng mặt trời, đô thị bền xanh, đảm bảo tăng trưởng bền vững. 

Do nhiều yếu tố khác nhau về lịch sử, dân số nên nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 3 châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi hệ thống đô thị tại đây chưa bắt kịp với sự bùng nổ dân số. Dự báo về tỷ lệ dân số thành thị Ấn Độ sẽ tăng từ 31 - 50% tổng dân số vào năm 2050 đã đặt ra nhiều sức ép lớn cho hệ thống đô thị và an ninh năng lượng của nước này. 

Cách mạng xanh 2.0

Trước tình hình đó, ngay từ khi lên nắm quyền cách đây hơn 1 năm, Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết sẽ đưa năng lượng sạch tới 300 triệu người dân Ấn Độ hiện chưa có điện và từng bước đưa Ấn Độ trở thành một trong những cường quốc năng lượng sạch, đạt sản lượng 100.000 MW đến năm 2022 từ mức 3.000 MW. Dù vấp phải sự nghi ngờ của giới chuyên gia và của chính người dân nhưng trong một bước đi thực hiện cam kết đầy tham vọng của mình, Chính phủ của ông Narendra Modi đã phê duyệt kế hoạch phát triển điện lực từ các nguồn tái tạo trị giá lên tới 100 tỷ USD. 
Người dân Ấn Độ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Kinhtedothi - Người dân Ấn Độ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Dự án mới quy mô về năng lượng trù định tạo lập hai loại nhà máy điện năng lượng mặt trời. Những tấm pin mặt trời bố trí trên nóc các tòa nhà TP và làng quê sẽ sản xuất ra khoảng 40 GW điện. Còn thêm 60 GW sẽ do các nhà máy điện trong mạng lưới khổng lồ mang lại, vốn được mệnh danh là “các trang trại năng lượng mặt trời”. Nguồn điện "sạch về sinh thái" dựa trên sử dụng năng lượng mặt trời sẽ cho phép Ấn Độ đấu tranh hiệu quả với nạn ô nhiễm không khí mà một trong những nguyên nhân là đốt cháy than đá và các dạng nhiên liệu khác trong nhà máy nhiệt điện. 

Truyền thông Ấn Độ đã ví dự án phát triển năng lượng mặt trời như là cuộc “cách mạng xanh 2.0”. Với kết quả thực thi cuộc cách mạng đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp hồi giữa thế kỷ XX, Ấn Độ đã thủ tiêu mối đe dọa của nạn đói trên toàn bộ tiểu lục địa. Ông Ravi Shankar Prasad - Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin cũng cho rằng, dự án này sẽ là một bước tiến dài về phía trước giúp Ấn Độ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới về năng lượng mặt trời. Điện mặt trời sẽ đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho Ấn Độ, hạ thấp độ lệ thuộc vào nhiên liệu khoáng sản, đỡ tốn phí dự trữ ngoại tệ của đất nước, giảm tác hại cho môi trường. 

Tham vọng về đô thị thông minh

Trước viễn cảnh hệ thống đô thị, nhất là đô thị hạng trung khó đáp ứng được quy mô và tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ, Thủ tướng Modi đã cam kết sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng tại 100 đô thị trong vòng 7 năm tới. Để làm được điều này, Ấn Độ đã khởi xướng một kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu tạo ra 100 TP xanh hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm. 

Theo định nghĩa của chính quyền Ấn Độ, đô thị thông minh là những TP có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện nước, vệ sinh, đô thị, kết nối internet và nhà đất giá cả thấp cho người dân. Và chính quyền liên bang đang xem xét chi khoảng 10 tỷ USD thông qua mô hình liên doanh tư nhân – Nhà nước cho dự án này. 

Với sự hỗ trợ của Singapore – quốc gia đi đầu thế giới về phát triển đô thị thông minh, chính quyền Ấn Độ hy vọng 100 đô thị thông minh sẽ được xây dựng bằng cách cải tiến cơ sở vật chất và cung cấp thêm các khuôn viên xanh. 20 đô thị thông minh đầu tiên sẽ được bình chọn vào cuối năm nay thông qua một cuộc thi quy mô toàn quốc.