Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn Tết Mông Cổ nhớ quê Việt Nam

Lê Chiên (từ Ulan Bator)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tết Mông Cổ và Tết Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên xuất phát từ điều kiện tự nhiên, tập quán chăn nuôi du mục nên cũng có nhiều điểm khác biệt. Và dấu ấn về Tết Việt là kỷ niệm không thể nào quên” - Davkharbayar đã nói với tôi như thế.

Lần đầu gặp thạc sĩ, bác sĩ Davkharbayar tại lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Ulan Bator, tôi cứ ngỡ Galbaa Davkharbayar là người Việt. Anh bắt tay tôi, nói bằng tiếng Việt “em là Tuấn” (tên do các bạn đặt cho anh khi học ở Việt Nam). Rồi không biết từ khi nào tôi và Davkharbayar trở thành bạn tâm giao.
Đại sứ Đoàn Thị Hương (áo đỏ) giới thiệu mâm cỗ ngày Tết và phong tục nghi lễ Tết của Việt Nam cho phóng viên Đài truyền hình trung ương Mông Cổ.
Đón Giao thừa phải… đập xương

Hơn 10 năm học Đại học Y Hà Nội, ngành y học cổ truyền, không những giỏi tiếng Việt, Davkharbayar còn biết khá nhiều văn hóa Việt. Biết tôi ở lại Mông Cổ, Davkharbayar mời đến nhà ăn Tết “để biết phong tục của người Mông Cổ”. Davkharbayar kể: Giống như người Việt, Tết âm lịch là Tết trọng đại nhất của người Mông Cổ. Lịch Tết của Mông Cổ cũng thường trùng với Tết Việt Nam. Tết cũng là ngày để các thành viên trong gia đình sum họp, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, và người Mông Cổ cũng coi Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất…

Theo phong tục Mông Cổ, tất cả con cái tập trung ở nhà bố mẹ ăn cơm, đón Giao thừa. Mâm cơm Giao thừa bao giờ cũng có bánh buzz (giống như bánh bao, vỏ bánh được làm từ bột mì, nhân làm bằng thịt cừu), sữa và các sản phẩm bơ, sữa. Trong đó không thể thiếu một cái đùi bò hoặc cừu luộc. Mọi người phải ăn thật no, không được uống rượu.
Davkharbayar giải thích: Giống như Việt Nam, cách đây mấy chục năm, Mông Cổ cũng rất khó khăn, nên ai cũng mong đến Tết để được ăn no, ăn ngon. Nay cuộc sống tươm tất, nhưng người Mông Cổ vẫn giữ phong tục phải ăn thật no để thể hiện mong muốn đủ đầy, mãn nguyện. Còn bánh buzz là loại bánh truyền thống của người Mông Cổ, không khác gì bánh chưng của người Việt ngày Tết.

Nói về chiếc đùi bò hoặc đùi cừu luộc trong mâm cơm Giao thừa, Davkharbayar như trở về miền ký ức: “Hồi ở Việt Nam, năm nào em cũng được người bạn thân học cùng lớp ở Hưng Yên mời về nhà ăn Tết. Đến nhà nào cũng thấy mâm cỗ cúng Giao thừa có gà trống luộc nguyên con. Hỏi ra em mới biết đây là phong tục tín ngưỡng”. Cũng như vậy với người Mông Cổ, mâm cỗ Giao thừa có đùi bò hoặc đùi cừu luộc cũng là một phong tục tín ngưỡng.
Sau khi ăn thịt đùi bò (hoặc cừu), chủ nhà hay người được kính trọng nhất trong gia đình phải đập xương đùi đó ra, lấy tủy chia cho mỗi người một miếng. Nếu những người này đã già yếu, thì con trưởng phải làm thay. Lúc đập xương lấy tủy, mọi người phải đồng thanh: Hãy cởi bỏ hết sự bí bách, thù hận, xích mích trong lòng; hãy xóa đi những rủi ro, không may mắn; hãy mang đến sự hanh thông trong năm mới. Ngoài nghi lễ này thì Giao thừa phải nổi lửa rán một loại bánh để có lửa, có khói, có mùi nhằm xua đuổi tà ma.

Người Mông Cổ kiêng gì ngày Tết?

Tết là sự khởi đầu của năm mới, nên người Mông Cổ cũng mong muốn được mang đến những điều may mắn, tốt lành. Bởi vậy theo phong tục của người Mông Cổ, ngày Tết cũng phải kiêng kỵ. Gia đình người nào có tang thì không được đến gia đình khác chúc Tết; ngày Tết cũng không được mắng mỏ, quở trách trẻ con hoặc người khác... chẳng khác gì phong tục của người Việt.
“Nếu có nợ nần, người Mông Cổ cũng phải thanh toán trước Tết. Khi anh đến chúc Tết gia đình em, anh mang vang trắng nhé! Vì đặc trưng Tết của Mông Cổ là màu trắng, vang đỏ là không may mắn. Đây là điểm khác biệt lớn nhất về Tết của Việt Nam và Mông Cổ” - Davkharbayar nói vui rồi giải thích.

Tết Mông Cổ được gọi là Tsagaan Sar (có nghĩa là trăng màu trắng; Tết Tsagaan Sar còn gọi là Tết tháng trắng). Khác người Việt Nam coi màu đỏ là mạnh mẽ, mang lại may mắn, thì người Mông Cổ lại lấy màu trắng làm chủ đạo. Mùa đông ở Mông Cổ vô cùng khắc nghiệt, thông thường dao động từ - 20 đến -30 độ C, tuyết phủ trắng xóa, cây cỏ không phát triển được, gia súc thiếu thức ăn.
Tết Tsagaan Sar là thời điểm kết thúc mùa Đông, nhiệt độ ấm lên, cây cỏ sinh sôi và gia súc cũng đã bắt đầu có sữa - nguồn thực phẩm không thể thiếu hàng ngày, cũng là nguồn thực phẩm tinh khiết nhất, nên người Mông Cổ rất trân trọng. “Sữa màu trắng, bởi thế người Mông Cổ coi màu trắng là khởi đầu mang đến sự no ấm, may mắn, thịnh vượng cho năm. Cũng vì thế, Tết Mông Cổ mới gọi là Tết tháng trắng” - Davkharbayar nói.

“Tết Việt ấm áp như trở về với vòng tay mẹ”

Davkharbayar tâm sự với tôi như thế khi nói về Tết Việt. Dù đã trở lại Mông Cổ gần 10 năm, nhưng những kỷ niệm Tết Việt vẫn đau đáu trong anh. Davkharbayar kể, năm 2001, anh sang Việt Nam học và ở trong ký túc xá Bách Khoa dành cho sinh viên nước ngoài.
Năm đầu tiên chưa biết tiếng, cũng chỉ hiểu lõm bõm là nghỉ Tết. Sinh viên cũ người Mông Cổ, người thì về Mông Cổ ăn Tết, người thì đi chơi nhà bạn bè. Ký túc xá vắng tanh, còn lại vài sinh viên mới đến từ Nga, Bulgari, Ucraina… cũng chẳng trao đổi được gì nên mấy anh em “như chim chích vào rừng”.

“Từ năm thứ ba trở đi năm nào em cũng được anh bạn cùng lớp ở Hưng Yên mời về nhà ăn Tết. Bố mẹ bạn ấy rất quý em, nên từ đó mới cảm nhận được Tết Việt, ấm áp vô cùng. Bạn ấy rủ em đi chơi khắp làng, nhiều nhà mổ lợn, gói bánh chưng. Đi đâu mọi người gặp nhau cũng chào hỏi rôm rả, vồn vã, gặp ai bọn em cũng được mời “đến nhà uống rượu nhé”.
Nhà nào cũng quét vôi như mới; cổng chào, khẩu hiệu, cờ, câu đối rực lên màu đỏ; rồi tiếng loa đài rộn rã, tưng bừng… Dẫu không hiểu lắm, nhưng tự nhiên em thấy lòng mình nhẹ tênh, thanh thản lạ thường, ấm áp như trở về trong vòng tay mẹ” - Davkharbayar nói rồi rưng rưng: “Cảm giác ấy sẽ theo em suốt cuộc đời mỗi khi Tết đến!”.

Giống như người Việt, Tết âm lịch là Tết trọng đại nhất của người Mông Cổ. Lịch Tết của Mông Cổ cũng thường trùng với Tết Việt Nam.