An toàn thực phẩm bếp ăn trường học: Nhân rộng các mô hình tốt

Trần Nga - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hàng loạt các vụ việc mất an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn trường học, không ít phụ huynh tỏ ra lo ngại cho sức khỏe của con em mình. Tuy nhiên, những vụ trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Tại nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội, việc kiểm soát ATTP đã được thực hiện chặt chẽ, nhiều mô hình kiểm soát đem lại hiệu quả cao cần được nhân rộng.

Bữa ăn trưa của học sinh trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân). Ảnh: Hồng Thái
Đầu tư dụng cụ test thực phẩm
Trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân) có tổng số 1.275 học sinh với 232 học sinh bán trú lớp 6 – 7 ăn trưa tại trường. Bà Đỗ Thị Việt Hiền - Hiệu trưởng trường THCS Khương Đình cho biết, mặc dù số học sinh ăn bán trú tại trường không lớn nhưng công tác đảm bảo ATTP cho các em luôn được nhà trường chú trọng. Nhà bếp được đầu tư một chiều theo đúng quy định, sử dụng bếp từ, tủ nấu cơm điện tử và tủ sấy bát đĩa. Nhân viên nhà bếp và những người chăm sóc trẻ đều được tập huấn lớp kiến thức về ATTP, được cấp giấy chứng nhận và kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Trung tâm Y tế quận. Từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập Ban chăm sóc bán trú và tổ kiểm soát ATVSTP, đảm bảo thực phẩm đưa vào trường học luôn tươi ngon, an toàn.
Các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra. 

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ

Đặc biệt, trường THCS Khương Đình đã đầu tư mua các thiết bị test kiểm tra nhanh trong thực phẩm như test nhanh phát hiện độ ôi thiu của thịt; kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả; kiểm tra nhanh urê, sunfit, hàn the, formon trong thực phẩm, kiểm tra nhanh acid vô cơ trong dấm, kiểm tra nhanh độ ôi khét trong dầu mỡ. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, từ tháng 3/2019, UBND quận Thanh Xuân đã có công văn yêu cầu cầu ban giám hiệu các trường mầm non, tiểu học, THCS, chủ các lớp mầm non tư thục có bếp ăn bán trú thực hiện các test trên để tăng cường đảm bảo ATTP trong trường học.

Tại trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy), Hiệu trưởng Huỳnh Thị Hương cho biết, nhà trường sẵn sàng đầu tư các dụng cụ test thực phẩm để đảm bảo bữa ăn an toàn cho các học sinh tại trường. Hiện nay, khâu giao nhận thực phẩm buổi sáng tại trường Tiểu học Lý Thái Tổ bắt buộc phải có đầy đủ 4 bên giáo viên nhà trường (chủ tịch công đoàn nhà trường, hiệu phó phụ trách bán trú, các cô khối trưởng chuyên môn thay phiên nhau), đại diện cha mẹ học sinh các lớp luân phiên, nhà cung cấp và bắt buộc sự có mặt của cô phụ trách y tế trường học. Thực đơn hàng ngày của học sinh được xây dựng theo tuần, đăng tải trên website nhà trường, nếu có sự thay đổi nhà bếp phải có giải trình với ban giám hiệu. "Với các loại rau, chúng tôi yêu cầu nhà bếp phải rửa đủ 5 lần, ngâm nước muối trước khi đưa vào chế biến. Khay ăn của học sinh sau khi rửa phải tráng qua dấm để loại bỏ dư lượng thuốc rửa bát” – bà Hương cho hay.

Phụ huynh giám sát thường xuyên

Thấu hiểu vai trò giám sát của phụ huynh với vấn đề ATTP trường học, tại trường Tiểu học Nam Hồng (huyện Đông Anh) nhà trường đã huy động phụ huynh thay phiên nhau phối hợp cùng nhà trường giám sát từ khâu giao nhận thực phẩm cho khi đến chế biến thực phẩm và đưa lên bàn ăn cho các học sinh. Sau khi toàn bộ học sinh ăn xong bữa trưa, đại diện phụ huynh mới "rút về". Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám đánh giá, cách làm của trường Tiểu học Nam Hồng được UBND huyện kêu gọi các trường học có bếp ăn bán trú học tập và làm theo. “Phụ huynh sẽ là người khách quan nhất, được tận mắt chứng kiến nguồn thực phẩm của các con tươi mới, chế biến ngon sẽ khiến phụ huynh yên tâm và tin tưởng hơn” – bà Tám cho hay.

Không chỉ giám sát tại trường, nhiều trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy đã tổ chức các buổi giám sát đột xuất đến tận cơ sở cung cấp thực phẩm vào trường học có sự tham gia của đại diện ban phụ huynh. Còn tại quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Thị Hòa luôn khuyến khích phụ huynh tăng cường giám sát, kiểm tra chéo các trường trên cùng địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì việc gắn camera giám sát tại khu vực chế biến thức ăn, kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các đơn vị không đảm bảo chất lượng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, thực tế kiểm tra tại nhiều bếp ăn tập thể trường học cho thấy rất nhiều trường đã làm rất tốt việc kiểm soát ATTP. Những mô hình hay, cách quản lý tốt sẽ được phổ biến để các trường có thể tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng nơi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần