Gia tăng các vụ buôn lậu thực phẩm “bẩn”
Khảo sát tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội những ngày giáp Tết, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại từ bánh kẹo, rượu, giỏ quà Tết của nhiều hãng khác nhau. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin cũng có không ít loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại khu chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, cứ vào khoảng 2 giờ sáng xuất hiện nhiều xe chở theo thịt, rau, củ, quả đến bỏ mối cho các tiểu thương. Lượng hàng chở về đây bằng nhiều phương tiện khác nhau, chủ yếu là xe thô sơ, dùng chở thịt lâu ngày đã cáu bẩn.
|
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Tân Hưng (phường Thượng Thanh, quận Long Biên). |
Tại đây, nhiều mặt hàng thực phẩm thủy, hải sản khô được bày bán, chủ sạp giới thiệu xuất xứ đến từ các tỉnh khác nhau nhưng lại không có bao bì, nhãn mác và chứng nhận chất lượng ATTP. Vì thế, người mua khó biết được nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản... của sản phẩm. Không những thế, trên các sạp hàng, hải sản khô được “phơi trần”, không che đậy, nguy cơ mất an toàn do bụi bặm, ruồi nhặng.
Tại chợ Đồng Xuân, NTD dễ dàng nhận thấy các loại mặt hàng phục vụ Tết như bánh, mứt, hoa quả sấy khô “3 không” (không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng) được bày bán tràn lan. Tại đây, mứt được chất cao trong khay hoặc bao giấy cứng không nhãn mác, với đủ chủng loại, màu sắc sặc sỡ. Vừa cầm quạt đuổi ruồi, mấy chị chủ sạp tại chợ chốc chốc lại dùng tay trần đảo lại các loại mứt khô như bí, khoai lang, hạt sen, mít sấy.
Các bao đựng mứt không được che chắn, kê ngay lối đi của khách. Hầu hết, khách đến lấy mứt buôn tại chợ Đồng Xuân đều là mối quen hoặc mối “truyền tai”, tiểu thương không cần quảng cáo. Nhưng với khách lạ, vãng lai, khách du lịch, tiểu thương sẽ trưng các thùng giấy có ghi rõ cơ sở sản xuất mứt hoặc tem dán mang tên các thương hiệu nổi tiếng… để lấy lòng tin. Tương tự, các mặt hàng khô được ưa chuộng và mua nhiều vào dịp Tết nhưng cũng đang bị buông lỏng quản lý. Người mua hoàn toàn không biết thông tin về sản phẩm.
Thực trạng này đã gióng lên nỗi lo về ATTP. Bởi chỉ trong tháng 12/2019, tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ liên tiếp các vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo ATTP với khối lượng lớn. Đặc biệt, trong 15 ngày ra quân (từ ngày 15 - 31/12/2019), Công an TP Hà Nội đã phát hiện và phối hợp kiểm tra 355 vụ việc vi phạm các quy định về ATTP. Trong đó, chủ yếu là hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ.
Quản thế nào?
Thực tế nhiều năm qua, dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, song cứ vào dịp cuối năm thì vấn nạn thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn… lại trở thành nỗi lo thường trực của NTD. Trước thực trạng trên, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của TP đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020 tại một số quận, huyện.
Tại quận Long Biên, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của TP đã kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Tân Hưng (số 10, ngách 92/17, Tổ 12, phường Thượng Thanh). Qua kiểm tra, Đoàn đã phát hiện khu chế biến thực phẩm chật hẹp, sắp xếp lộn xộn, nhà xưởng xuống cấp. Khi chế biến thực phẩm, công nhân không đeo găng tay, không đeo khẩu trang, tạp dề, không mặc trang phục bảo hộ lao động.
Đặc biệt, Công ty đã vi phạm quy định về ghi nhãn mác sản phẩm, chưa xuất trình được hóa đơn các loại nguyên liệu, hợp đồng và hồ sơ nguồn gốc. Đoàn kiểm tra TP yêu cầu cơ sở khắc phục những sai phạm; đồng thời, Đoàn giao cho quận Long Biên tiếp tục tiến hành xử lý vi phạm và trực tiếp giám sát việc khắc phục sai phạm của cơ sở.
Chi Cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, dịp Tết năm nay, toàn TP thành lập hơn 1.100 các đoàn đi thanh tra, kiểm tra từ TP cho đến quận, huyện, xã, phường. Tính đến nay, số cơ sở thanh tra, kiểm tra trong dịp Tết đã lên đến 4.700 cơ sở; xử phạt 450 cơ sở với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong đó, tuyến quận, huyện, thị xã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.131 cơ sở, qua đó phát hiện 492 cơ sở vi phạm, phạt tiền 412 cơ sở với số tiền hơn 448 triệu đồng và đóng cửa 2 cơ sở.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ, các đơn vị, sở, ngành cần nâng cao kiến thức của người tiêu dùng, trách nhiệm của người sản xuất cũng như trình độ quản lý và năng lực quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời cần phân công, phân nhiệm rõ ràng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp để quản lý các cơ sở, không chồng chéo, không bỏ sót.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đơn vị phải phát hiện đồng thời nêu tên các cơ sở sai phạm. Các cơ quan truyền thông cần cảnh báo để người dân biết cách lựa chọn thực phẩm, thậm chí tẩy chay những cơ sở làm ăn gian dối. Ngoài ra, ông Tụ cũng mong NTD khi phát hiện những cơ sở sản xuất, sản phẩm không an toàn thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn để các cơ quan kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời.
Chi Cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ khuyến cáo, thay vì chọn mua thực phẩm một cách tùy tiện, NTD cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, thận trọng trong lựa chọn và chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh. Muốn vậy, mỗi NTD cần chủ động cập nhật thông tin, kiến thức về ATTP để có biện pháp ứng phó tốt nhất cho riêng mình. Đồng thời, kiên quyết “nói không” với thực phẩm "bẩn" và tẩy chay những sản phẩm của cơ sở làm ăn gian dối.
"Từ ngày 15/12/2019 - 7/1/2020, quận Long Biên đã kiểm tra 171 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 11 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 29 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy thịt bò đông lạnh hết hạn sử dụng trị giá gần 3 triệu đồng. Quận đã thanh tra 61 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở với tổng số tiền phạt 21 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác kiểm soát thực phẩm lưu thông gặp nhiều khó khăn. Nhiều quầy kinh doanh thời vụ thực phẩm phục vụ Tết không có địa điểm cố định khó kiểm tra, kiểm soát. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa duy trì thường xuyên các điều kiện ATTP. Còn tình trạng kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng." - Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt
"Tết năm nào cũng vậy, tôi thường mua hàng ở những nơi quen biết, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, trước những thông tin cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm bị xử lý gần đây, tôi khá lo lắng. Mong các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những người kinh doanh các mặt hàng này." - Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) |