Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấn tượng với “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” 2022

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/11, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022.

Tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo

Được tổ chức từ năm 2011 với tên gọi “Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp”, bắt đầu từ 2018, cuộc thi đổi tên thành “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” và được tổ chức thường niên.

Ban tổ chức trao giải cho các tác giả
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả

Cuộc thi ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh đối với thầy cô, mái trường.

Được phát động từ tháng 7/2022, Ban Tổ chức nhận được hơn 60.000 bài dự thi; từ đó, Ban Giám khảo chọn được 98 bài vào vòng chung khảo. Trong số này, Ban giám khảo đã chọn ra 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải cho 2 tập thể xuất sắc có số lượng bài dự thi lớn, đạt chất lượng tốt (Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị) và 2 giải thưởng phụ cho các tác giả nhỏ tuổi dự thi.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, cuộc thi không chỉ là nơi để thể hiện tình cảm tri ân với người thầy, với mái trường mà còn là cơ hội để những người giáo viên chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời.

Nhiều bài viết với tình huống, kinh nghiệm có thực khiến người đọc cảm phục bởi lòng nhân hậu, tính kiên nhẫn, đức hy sinh của các thầy cô. Sự lan tỏa giá trị của cuộc thi trong những năm qua cho thấy, mái trường và các thầy cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp Nhân dân.

"Đây là động viên to lớn, tạo động lực cho ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đầy thử thách"- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Xúc động về hình ảnh người thầy 

Năm 2022, tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi được trao cho tác giả Nguyễn Thị Liên, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị với tác phẩm "Ngày...tháng...năm của thầy và tôi".

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Thị Liên với tác phẩm:
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Thị Liên với tác phẩm: "Ngày... tháng... năm... của thầy và tôi"

Trong tác phẩm, chị Liên đã trải tình yêu thương của mình theo từng tháng, từng ngày, từng kỷ niệm về thầy Hoàng Đức Vinh- người thầy bình dị, gần gũi, ấm áp và chân thành. Từ một bài Tập làm văn đầu tiên thầy dạy "Một điều nhịn, chín điều lành", cô học trò hay cãi lại lời mẹ đã nhận ra lỗi của mình, đã thay đổi cách ứng xử với mẹ. Qua những giờ học của thầy, cô trò nhỏ ấy đã lựa chọn và yêu nghề giáo. Hôm nay, khi là một giáo viên có 20 năm đứng lớp, cô Liên vẫn vững tin với con đường mà mình đã lựa chọn.

Thầy trò cô Liên đã đi qua những năm tháng bình dị, đẹp đẽ nhưng sâu nặng nghĩa tình. Cô xem thầy chính là người cha thứ hai của mình. Đã có lúc, giữa bộn bề, lo toan của cuộc sống, cô Liên tìm về một chỗ dựa bình lặng, yên ả và vững vàng nhất chính là người thầy bình dị đó.

Tại lễ tổng kết, Ban tổ chức đã trao cơ hội để tác giả Nguyễn thị Liên trực tiếp tỏ bày cảm xúc của mình về từng trang viết. “Mỗi ngày, nhớ đến thầy, nghĩ đến thầy tôi lại lấy giấy bút viết từng dòng tự sự. Tôi dành quá nhiều tình cảm cho thầy, tôi lo lắng những con chữ không thể nào diễn tả hết tấm lòng và sự kính trọng của mình đối với thầy giáo cũ. Tôi gói ghém cảm xúc trong tác phẩm dự thi, đó là tiếng lòng của tôi dành cho người thầy, người cha đáng kính.

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp, nữ sinh Nguyễn Thị Liên sớm học xa nhà. Những năm tháng học THPT, cô học trò ấy thường khép mình, ít giao du với bạn bè và cũng không mấy khi dám tâm sự, chia sẻ với thầy giáo. Nhưng khi đỗ vào ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thầy biết tin vui đã hỏi thăm, động viên cô rất nhiều. Những lời động viên đầy ân tình đó đã làm cô sinh viên sư phạm tự tin, dần yêu nghề và quyết tâm học tốt.

“Thầy tôi nói, chọn nghề giáo là nghề vất vả nhất, nhưng cũng là nghề vinh quang nhất, hạnh phúc nhất trong mọi nghề. Con đã theo thì hãy cố gắng học tốt để sau làm nghề tốt. Những tháng ngày học xa nhà, có những lúc tôi muốn bỏ cuộc vì khó khăn, vì cô đơn giữa đất khách quê người và vì thấy không thể hòa nhập được. Những lúc đó, thầy là ngọn lửa ấm động viên tôi tiếp tục cố gắng nhìn về phía trước…”- tác giả Nguyễn Thị Liên hồi tưởng.

“Không phụ lời thầy, tôi đã nỗ lực nhiều hơn để tốt nghiệp, ra trường. Ngày tôi được phân công về trường dân tộc nội trú, thầy biết tin có nhắn nhủ tôi rằng: “Dạy học sinh miền núi sẽ càng vất vả nhưng thầy thương con thế nào, con hãy thương các học trò của mình như thế… Trong mọi sự kiện quan trọng của cuộc đời tôi đều có sự chứng kiến, động viên của thầy. Chỉ cần nhận được điện thoại của thầy, chỉ cần nghe lời hỏi thăm ân cần của thầy, tôi như được tiếp thêm nhiều động lực. Tôi coi thầy là người cha thứ hai…”- tác giả Nguyễn Thị Liên xúc động chia sẻ về thầy giáo cũ.

Theo Ban tổ chức, ngoài tác phẩm của tác giả Nguyễn Thị Liên, hơn 60.000 tác phẩm dự thi đến từ mọi miền tổ quốc đều thể hiện tình cảm, sự trân quý hay những kỷ niệm xúc động, giàu ý nghĩa về thầy cô, mái trường. Sức lan tỏa của cuộc thi thực sự đã mang đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.