[Ảnh] 10 sự kiện định hình thế giới năm 2020

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới đây là lựa chọn của báo Kinh tế & Đô thị về 10 sự kiện đã làm nên một năm 2020 đặc biệt của thế giới.

1. Đại dịch Covid-19: Xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 11/2019, dịch bệnh hô hấp gây viêm phổi cấp Covid-19 đã lan nhanh ra toàn thế giới, hiện đã khiến khoảng 80 triệu người nhiễm và trên 1,7 triệu người tử vong, đẩy nhiều nước lâm vào cuộc khủng hoảng kép y tế và kinh tế. Để kiềm chế đại dịch lây lan, hàng loạt quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, tạo nên nhiều 'thành phố ma', các doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến kinh tế toàn cầu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo có thể sụt giảm 4,4% trong năm 2020. Cũng từ sự xuất hiện của đại dịch, các quốc gia trên thế giới đã bước vào cuộc chạy đua vaccine, thắp lên hy vọng sớm kiểm soát được dịch bệnh vào năm 2021. Hiện tại, một số quốc gia đã bắt đầu các chương trình tiêm chủng vaccine trên diện rộng. Ảnh (AFP): Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) thông báo rằng dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới gây ra được coi là một đại dịch, ngày 11/3/2020.

[Ảnh] 10 sự kiện định hình thế giới năm 2020 - Ảnh 2
2. Ông Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ: Tháng 11, thế giới ''nín thở'' theo dõi cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu ra người sẽ lãnh đạo cường quốc kinh tế và quân sự số 1 trong 4 năm tới. Kết quả, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã giành được kỷ lục hơn 81 triệu phiếu phổ thông, so với khoảng 75 triệu phiếu cho Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Ngày 15/12, Cử tri đoàn chính thức xác nhận ông Biden là Tổng thống đặc cử, với tỷ lệ chiến thắng phiếu đại cử tri 306-232. Tuy nhiên, Tổng thống Trump và chiến dịch tranh cử của ông đến nay chưa chấp nhận thua cuộc, liên tiếp cáo buộc gian lận bầu cử và đệ đơn lên tòa án tối cao các cấp, nhưng hầu hết đều đã bị bác bỏ do thiếu các bằng chứng xác đáng. Dự kiến, Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn sẽ nhậm chức theo đúng kế hoạch vào ngày 20/1 tới, trong khi ông Trump sẽ rời Nhà Trắng với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo thế giới gây tranh cãi nhất thời đại, bởi chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của mình trong nhiệm kỳ 4 năm qua. Ảnh (AP): Tổng thống đắc cử Joe Biden, cùng vợ và phó tướng Kamala Harris ăn mừng chiến thắng bầu cử ở Wilmington, Delaware, ngày 7/11/2020. 
3. Hoàn tất Brexit: Vương quốc Anh đã chấm dứt tư cách là thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1 năm nay, nhưng sau đó tiến trình Brexit vẫn được tiếp tục cho một giai đoạn chuyển tiếp - một phần của thỏa thuận 'ly hôn' đã đạt được giữa 2 bên. Sau gần 9 tháng đàm phán cam go, ngày 24/12, Anh và EU cuối cùng đã đạt thỏa thuận tái định hình quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai, trước hạn kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31/12 tới. Với thỏa thuận này, 2 bên đã chính thức hoàn tất tiến trình Brexit, sau gần 5 năm từ cuộc trưng cầu dân ý đã thay đổi mạnh mẽ nền chính trị Anh - trải qua 3 đời Thủ tướng, 2 cuộc tổng tuyển cử và 1 cuộc thanh trừng nghị sĩ chống Brexit trong đảng Bảo thủ cầm quyền. Ảnh (AP): Nghị sĩ 28 nước cùng nhau nắm tay và hát sau khi chấp thuận để Vương quốc Anh rời EU trong một phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 29/1/2020. 
4. Thảm họa cháy rừng ở Australia: Vụ cháy rừng lớn nhất lịch sử Australia bắt đầu từ tháng 11/2019 và kéo dài tới tận tháng Giêng năm 2020. Đám cháy liên tục lan rộng, trong đó 2 bang New South Wales và Victoria bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Quy mô và thiệt hại của vụ cháy rừng này không chỉ khiến Australia mà cả thế giới bàng hoàng: Hơn 7,4 triệu ha rừng ôn đới bị đốt cháy - hơn diện tích nước Bỉ và Haiti cộng lại, và thải ra 830 triệu tấn CO2 vào khí quyển - gần gấp đôi lượng khí thải hàng năm từ các ngành năng lượng, công nghiệp và giao thông của nước này; Khoảng 500 triệu động vật bị chết, trong đó có 8.000 gấu túi Koala; 10 triệu người phải hít bầu không khí dày đặc khói bụi màu cam, trong khi chi phí y tế lên tới 2 tỷ AUD (1,3 tỷ USD) - cao gấp 4 lần so với kỷ lục trước đó của mùa cháy rừng năm 2002-2003 ở Australia. Ảnh (Reuters): Một cặp vợ chồng lớn tuổi người Australia đứng nhìn bất lực, trong gió lớn và tro bụi từ đám cháy rừng ở Nowra, New South Wales, ngày 4/1/2020. 
5. Phong trào Black Lives Matter vươn ra toàn cầu: Cái chết của George Floyd, một người đàn ông da màu 46 tuổi, sau khi bị một cảnh sát da trắng ghì gối lên cổ trong một vụ bắt giữ, đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn phản đối sự thô bạo của lực lượng an ninh và nạn phân biệt chủng tộc, không chỉ ở Mỹ - nơi vụ việc diễn ra - mà đã lan ra toàn thế giới. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phải triển khai Vệ binh Quốc gia để đối phó với lực lượng biểu tình quá khích kéo dài trong nhiều tuần liền. Phong trào Black Lives Matter - ra đời vào năm 2013, từ nỗ lực đòi công lý cho thiếu niên Mỹ người da màu Trayvon Martin bị một người da trắng bắn chết - đã trở nên thu hút sự chú ý của quốc tế hơn sau cái chết của Floyd. Nhiều tổ chức theo đó đã được thành lập ở một số quốc gia khác nhau, với mục đích chung là nhằm can thiệp vào các vụ bạo lực do lực lượng công quyền gây ra với cộng đồng Da đen. Ảnh: Gần 2.000 người biểu tình nằm úp mặt giữa đường ở Portland để phản đối vụ việc George Floyd, ngày 3/6/2020. 
6. Bạo lực leo thang ở biên giới Trung - Ấn: Căng thẳng âm ỉ tại khu vực tranh chấp Pangong Tso, thuộc vùng Ladakh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đã bùng phát thành cuộc ẩu đả bằng tay chân và gậy gộc vào ngày 15/6. Vụ việc khiến 20 binh sĩ Ấn Độ, trong đó có một đại tá tiểu đoàn trưởng, thiệt mạng. Phía Trung Quốc xác nhận có thương vong, song không công bố con số cụ thể. Đây là cuộc đụng độ gây chết người đầu tiên giữa 2 nước sau nhiều thập kỷ, khiến căng thẳng song phương gia tăng đáng kể. Sau vụ ẩu đả, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều điều lượng lớn binh sĩ cùng khí tài hạng nặng tăng viện cho khu vực biên giới, dấy lên lo ngại về khả năng xung đột vũ trang toàn diện giữa 2 láng giềng đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Hai bên sau đó tổ chức nhiều cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, đồng ý ngừng điều thêm binh sĩ tới biên giới, nhưng vẫn duy trì lực lượng lớn ở khu vực tranh chấp, bất chấp thời tiết khắc nghiệt trên dãy Himalaya. Ảnh: Người dân ở Kolkata đập phá các sản phẩm ‘Made in China’ trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc về vụ đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan vào ngày 15/6/2020. 
7. Lũ lụt kỷ lục ở châu Á: Kể từ tháng 6 năm nay, những trận mưa kỷ lục đã khiến nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam và phía Nam châu Á ngập lụt nghiêm trọng. Trung Quốc có lẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi mưa lũ, do hệ thống 2 sông lớn khó kiểm soát lưu lượng nước. Năm nay, có khoảng 2,7 triệu người phải sơ tán và 63 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Trung Quốc, gây thiệt hại kinh tế lên tới hơn 25 tỷ USD. Trong khi đó, Đông Nam Á trong năm 2020 phải ứng phó khẩn cấp với 15 thảm họa lũ lụt, bão và lở đất nghiêm trọng ở Philippines và Việt Nam, ảnh hưởng hơn 31 triệu người. Cùng với biến đổi khí hậu, tình trạng di cư thiếu kiểm soát ở châu Á được cho là những nguyên nhân khiến thiệt hại do lũ lụt gây ra ngày càng tăng. Mật độ dân số đông khiến việc xây dựng các công trình hạ tầng ở ven sông - nơi có khả năng chịu lũ lớn - gia tăng. Ngoài ra, tình trạng phá rừng cũng khiến lũ lụt trở nên khó lường và gây thiệt hại lớn hơn. Ảnh (AFP): Đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử xả nước để giảm bớt áp lực trong bối cảnh lũ lụt lớn ở Trung Quốc, ngày 19/7/2020. 
8. Chính phủ Lebanon từ chức sau thảm họa Beirut: Khoảng 200 người đã thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương và khoảng 300.000 người mất nhà cửa do thiệt hại trên diện rộng, trong một vụ nổ lớn tại cảng biển tại thủ đô Beirut của Lebanon vào ngày 4/8. Nguyên nhân của vụ việc được báo cáo là do sự phát nổ của khoảng 2.750 tấn amoni nitrat - một loại phân bón công nghiệp, đã nằm ở cảng này trong nhiều năm qua nhưng không được bảo quản đúng cách. Hậu quả từ thảm họa đã vượt xa những thiệt hại về người và của mà nó gây ra, cuối cùng khiến toàn bộ Chính phủ phải từ chức sau sự phản đối kịch liệt của công chúng và quốc tế. Trong thông báo từ chức trên truyền hình, Thủ tướng Hassan Diab - người vẫn tạm nắm quyền cho đến khi một Chính phủ thay thế được thành lập - thừa nhận về vấn nạn tham nhũng và quản lý yếu kém của các tầng lớp lãnh đạo Lebanon, hiện đã 'ăn sâu bám rễ' khó để thay đổi tại quốc gia này. Ảnh (AFP): Một người đàn ông bàng hoàng trước cảnh tượng 'như ngày tận thế' ở Beirut sau vụ nổ, ngày 4/8/2020. 
9. Làn sóng biểu tình lớn ở Belarus: Tổng thống đương nhiệm của Belarus Alexander Lukashenko đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 8 năm nay, tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo đất nước sau 26 năm cầm quyền. Các chính phủ phương Tây, EU và nhiều nhóm cử tri ủng hộ phe đối lập của Belarus đã phản ứng với kết quả này, cho rằng cuộc bầu cử đã bị dàn xếp. Được dẫn dắt bởi một liên minh các nữ lãnh đạo phe đối lập, nhiều cuộc biểu tình của dân chúng nổ ra ngay sau ngày bầu cử, bắt đầu từ thủ đô Minsk và sau đó lan rộng chưa từng có trên khắp đất nước. Làn sóng biểu tình kéo dài trong nhiều tuần không tránh khỏi đụng độ với lực lượng an ninh nhà nước, kéo theo hàng nghìn vụ bắt giữ. Trong khi đó, Nga lên tiếng ủng hộ Chính phủ Lukashenko, thậm chí cam kết khả năng điều vệ binh hỗ trợ khi cần thiết, và cáo buộc các thế lực bên ngoài đang cố can thiệp vấn đề nội bộ của Belarus. Ảnh (Đài Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Belarus): Tổng thống Lukashenko được vũ trang, cảm ơn các sĩ quan cảnh sát chống bạo động gần Dinh Độc lập ở Minsk, ngày 23/8/2020. 
10. Huyền thoại bóng đá Maradona qua đời: Ngày 25/11, thế giới bóng đá đón nhận thông tin sốc, khi huyền thoại bóng đá người Argentina, Diego Maradona đột ngột qua đời sau một cơn đau tim, hưởng thọ 60 tuổi. Theo kết luận khám nghiệm tử thi, ‘Cậu bé vàng’ qua đời do bị suy tim sung huyết mãn tính, sinh ra phù phổi cấp. Quê nhà Argentina đã đặc biệt tổ chức quốc tang 3 ngày với hàng vạn người đến viếng, trong khi các hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh Maradona cũng diễn ra ở nhiều nơi khác trên khắp thế giới. CLB Napoli của Italia đã đổi tên sân vận động San Paolo thành Diego Maradona như một sự tri ân với chân sút huyền thoại của CLB. Mặc dù đời sống riêng tư luôn là đề tài gây tranh cãi, Maradona đã giành được tình cảm của nhiều thế hệ người hâm mộ bóng đá toàn cầu bởi tài năng, sự cống hiến và khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ của mình. Năm 2000, cùng với ‘Vua bóng đá’ Pele, Diego Maradona được FIFA vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất Thế kỷ XX. Ảnh (AP): Người hâm mộ ở Naples (Italia) đốt pháo sáng khi tập trung dưới bức tranh tường vẽ huyền thoại bóng đá Diego Maradona, ngày 25/11/2020.