Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Anh nhắm tới ASEAN hậu Brexit

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại từ quá trình Brexit, khu vực Đông Nam Á với giá trị thương mại trị giá 44 tỷ USD, đang là ưu tiên hàng đầu của Anh.

Bộ trưởng Thương mại Anh Greg Hands cho biết, ông đang cố gắng thuyết phục các đối tác thương mại trong khu vực rằng Brexit sẽ không thay đổi các thỏa thuận thương mại hiện có của Anh với các nền kinh tế ASEAN hoặc cản trở các cuộc đàm phán về các giao dịch mới.

 

"Việc nước Anh hậu Brexit, vẫn là một đất nước cởi mở, tích cực tham gia vào khu vực Đông Nam Á như mọi khi là điều cực kỳ quan trọng” - ông Hands nói và nhấn mạnh, 2 bên còn rất nhiều lĩnh vực để hợp tác.

Việc nước Anh rời khỏi EU sau hàng thập kỷ “chung sống” là một cuộc “ly hôn” đắt giá với cả hai bên. Riêng với nước Anh, theo tính toán của Chính phủ nước này, GDP của Anh có thể tổn thất khoảng 100 tỷ Bảng (145 tỷ USD) vào năm 2020; mất khoảng 950.000 việc làm, đẩy giá thực phẩm, tiền thuê nhà, chi phí du lịch châu Âu… lên cao.

Để giảm thiểu tổn thất cho kinh tế Anh, chính phủ của Thủ tướng Theresa May vào đã công bố chiến lược “nước Anh toàn cầu”, hoạch định đường hướng để nước Anh trở thành một nước mạnh mẽ và toàn cầu hóa. Với thị trường có số dân 620 triệu người và GDP hơn 2.900 tỷ USD, đồng thời cũng là bạn hàng truyền thống của Anh trong nhiều năm, Đông Nam Á đã được chính quyền Thủ tướng Theresa May chọn là bước đột phá trong chiến lược “nước Anh toàn cầu”. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á được đánh giá là có những tiềm năng và thế mạnh bổ sung quan hợp tác kinh tế - thương mại.

Giáo sư Damian Chalmers - chuyên gia Luật và thương mại thuộc trường Đại học Kinh tế London (LSE) cho rằng, tại Đông Nam Á, hai nước Việt Nam và Malaysia hiện được nhìn nhận là địa chỉ kinh doanh lý tưởng. Trong khi Indonesia lại có lợi thế lớn trong dài hạn, phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng của nước Anh là thiết lập ảnh hưởng kinh tế và thương mại trên phạm vi toàn cầu sau khi rời khỏi EU.