Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ánh sáng vĩ đại đã vụt tắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nelson Mandela đã đi vào lịch sử thế giới như một biểu tượng của sự đấu tranh chống áp bức, bất công không mệt mỏi. Ảnh: AFP

Mặc dù hơn 6 tháng được điều trị tích cực vì bệnh viêm phổi, đêm 5/12, nhưng cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - biểu tượng của phong trào chống phân biệt chủng tộc đã không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 95. Một ngày sau đó, CH Nam Phi công bố lễ quốc tang trong khi nhiều quốc gia đã treo cờ rủ để thể hiện sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của nhân vật vĩ đại này.

 
Nelson Mandela đã đi vào lịch sử thế giới như một biểu tượng của sự                  đấu tranh chống áp bức, bất công không mệt mỏi.	Ảnh: AFP
Kinhtedothi - Nelson Mandela đã đi vào lịch sử thế giới như một biểu tượng của sự đấu tranh chống áp bức, bất công không mệt mỏi. Ảnh: AFP

Di sản khổng lồ 

Khởi đầu sự nghiệp đấu tranh chống áp bức từ những năm còn là sinh viên đại học và đến năm 1948, ông đã nổi lên như một nhà hoạt động chính trị xuất sắc. Ngay cả khi bị giam cầm suốt 27 năm tại đảo Robben rồi tại các nhà tù Pollsmoor, Victor Vester, nhân cách chói lọi của Mandela vẫn là nguồn cảm hứng của phong trào đấu tranh tranh chống chế độ Apacthai hà khắc. Kể từ khi trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của nước CH Nam Phi vào tháng 5/1994, ông Mandela đã nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy cải cách ruộng đất, đấu tranh chống đói nghèo và phát triển mạng lưới phúc lợi xã hội. 

Suốt 67 năm đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp của hòa bình, nhân đạo, công bằng xã hội và hòa giải dân tộc, Mandela đã được nhân dân Nam Phi xưng tụng là "Người cha của dân tộc". Trên trường quốc tế, Mandela là một trong những anh hùng đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp chống chủ nghĩa thực dân và chống phân biệt chủng tộc. Với hơn 250 giải thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Nobel hoà bình, Huân chương Lênin của Liên Xô, Huy chương Tự do của Mỹ, Mandela là một trong những chính khách da màu đầu tiên trở thành huyền thoại sống của lịch sử nhân loại. 

Tiếc thương vô hạn

Ngay khi tin dữ lan đi, hàng triệu người trên toàn thế giới, từ thường dân đến chính khách, từ nghệ sĩ đến doanh nhân… đã dành những ngôn từ đẹp nhất, chân thành nhất để ca ngợi sự nghiệp đồ sộ và nhân cách vĩ đại của người con ưu tú nhất của nhân dân Nam Phi. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, thế giới đã vĩnh viễn mất đi một con người có ảnh hưởng lớn nhất, dũng cảm và sâu sắc. Trong khi Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi việc ông Mandela qua đời như "một ánh sáng vĩ đại vụt tắt". Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, "không ai trong thời đại của chúng ta chiến đấu vì các giá trị và nguyện vọng của Liên Hợp quốc nhiều hơn ông ấy". 

Trong điện chia buồn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi, Tổng thống nước CH Nam Phi Jacob Zuma hôm 6/12 có đoạn viết, "Nelson Mandela là người con ưu tú, người chiến sỹ kiên cường, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Nam Phi, người đã dành cả cuộc đời mình và đã có những cống hiến hết sức to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi và nhân dân thế giới chống áp bức, bất công và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì tự do, công lý, bình đẳng và tiến bộ xã hội".

Vậy là thế giới đã mất đi một trong những nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại hiện đại. Kể cả khi vẫn được gặp ông qua hàng ngàn cuốn sách, hàng chục bộ phim ngợi ca cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của ông, khoảng trống mà "người vĩ đại nhất trong những người vĩ đại" sẽ khó có thể lấp đầy.

Tháng 9/2009, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chính thức lấy ngày sinh của cựu Tổng thống CH Nam Phi 18/7 làm Ngày Quốc tế Mandela, hay còn gọi đơn giản là Ngày Mandela. Với thông điệp "Mandela đã dành 67 năm cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội", Liên Hợp quốc kêu gọi nhân loại hãy dành 67 phút trong ngày này để thay đổi thế giới.