Việc đặt ra thời hạn áp dụng vào ngày 1 tháng 7 năm 2022 là một biện pháp khẩn cấp tạm thời, ưu tiên hỗ trợ những người lao động dễ bị tổn thương nhất để bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Đây là một quyết định đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua, thể hiện lập trường toàn diện và nhạy bén trong việc bảo vệ tiền lương của người lao động không bị ảnh hưởng thêm trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao hơn.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên chuyên trang The Hanoi Times, các chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã đưa ra những nhận định trên trong bối cảnh 8 hiệp hội trong và ngoài nước kêu gọi hoãn tăng lương 6% ngày 1/7/2022 đến ngày 1/1/2023 để các doanh nghiệp này có sự chuẩn bị tốt hơn sau những ảnh hưởng nặng nề của đợt Covid-19 kéo dài.
Việc tạm dừng điều chỉnh lương tối thiểu đã thể hiện cam kết của cả người lao động và doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn. Khi việc điều chỉnh lương tối thiểu định kỳ đã được khôi phục lại với đề xuất tăng lương tối thiểu, cần thiết phải ấn định chính xác thời điểm áp dụng.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã thiết lập hoặc củng cố hệ thống tiền lương tối thiểu để bảo vệ những người lao động đang bị trả mức lương thấp và giảm tình trạng bất bình đẳng.
Tuy nhiên, những khó khăn kinh tế mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng cũng có thể đã được coi là nội dung đáng quan tâm trong việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, do vậy làm trì hoãn việc điều chỉnh lương tối thiểu thường xuyên.
Theo ILO, Việt Nam dù vẫn tiến hành điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm, nhưng cũng đã phải tạm dừng trong năm 2020 và 2021 để thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm ngoái, mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt 2,6%, thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch là 7%. Tuy nhiên, theo IMF, GDP dự kiến sẽ tăng 6% vào năm 2022 và 7,2% vào năm 2023. Do đó, có lẽ phương án đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu đã tính đến các yếu tố kinh tế này.
ILO cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn xu hướng tăng lương ở nhiều quốc gia, tạo ra áp lực lớn hơn với những người lao động đang bị trả lương thấp hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về tiền lương.
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và tác động đến những đối tượng cần được bảo vệ nói trên, việc điều chỉnh lương tối thiểu đã được khôi phục lại nhằm bảo vệ người lao động và chia sẻ thành quả của những tiến bộ đạt được với những nhóm người lao động dễ bị tổn thương nhất.
“Quan trọng hơn là quyết định này xuất phát từ một quy trình kỹ thuật được thúc đẩy bởi đối thoại xã hội và được sự đồng thuận giữa các đối tác ba bên của Việt Nam” - các chuyên gia của văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Lợi ích gì từ việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng?
Đối với những người lao động bị trả mức lương thấp, mức lương tối thiểu đủ sống do chính phủ quy định hoặc thương lượng thông qua thương lượng tập thể là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa tiền lương giảm xuống mức quá thấp , tạo ra một số vùng đệm để tránh rơi vào tình trạng nghèo.
Kinh nghiệm đã có đưa ra bằng chứng cho thấy tiền lương tối thiểu là một lựa chọn chính sách có khả năng khắc phục một số tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhiệm vụ chính của tiền lương tối thiểu là bảo vệ những người lao động bị trả lương thấp, nhưng đồng thời cũng có thể giúp giảm nghèo và bất bình đẳng, kích cầu và góp phần ổn định kinh tế.
Cuộc khủng hoảng đã tác động đáng kể đến những người lao động dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh hiện nay. Và tiền lương tối thiểu đóng vai trò quan trọng, là một giải pháp an sinh xã hội nhằm giảm thiểu tác động này và giảm tình trạng bất bình đẳng trầm trọng đã xuất hiện, gây ảnh hưởng lớn đến các nhóm lao động cụ thể như phụ nữ và thanh niên.
Từ đó, các chuyên gia ILO tại Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho cuộc sống của người lao động.
Tuyên bố thế kỷ của ILO về Tương lai Việc làm đưa ra hướng dẫn thiết yếu về các chính sách cần được tăng cường để đảm bảo lợi ích lâu dài cho cuộc sống của người lao động và duy trì các doanh nghiệp bền vững. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của mức lương tối thiểu đủ sống do pháp luật quy định hoặc thông qua thương lượng.
Các thiết chế thị trường lao động cần được củng cố để đảm bảo bảo vệ đầy đủ cho tất cả người lao động, duy trì tính phù hợp liên tục của mối quan hệ việc làm. Trong bối cảnh này, tất cả người lao động phải được bảo vệ đầy đủ, có tính đến việc tôn trọng các quyền cơ bản của họ; giới hạn tối đa về thời gian làm việc; an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc; và "một mức lương tối thiểu đủ sống do pháp luật quy định hoặc thông qua thương lượng ".
Tiền lương là một trong những điều kiện lao động cần được quan tâm đặc biệt vì tiền lương có tác động trước mắt đối với đời sống tinh thần của người lao động và gia đình họ.
Trong bối cảnh này, mức lương tối thiểu đủ sống là một yêu cầu thiết yếu đối với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong thế giới việc làm đã được tất cả các quốc gia thành viên ILO cam kết. Theo đó, Việt Nam cũng cam kết thông qua Lời kêu gọi Hành động Toàn cầu vì một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 lấy con người làm trung tâm mang tính bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu mới đây.
Do đó, mức lương tối thiểu đủ sống cần được thống nhất ở cấp quốc gia thông qua đối thoại xã hội dựa trên bằng chứng, phù hợp với Công ước về Xác lập Tiền lương tối thiểu, 1970 (Số 131).
ILO đánh giá cao việc Việt Nam đã đưa nhiều nội dung vào áp dụng trên thực tiễn và đang tích cực nghiên cứu, xem xét việc phê chuẩn Công ước số131 trong những tháng tới. Việt Nam đã xây dựng một hệ thống tiền lương tối thiểu dựa trên kinh nghiệm của các nước khác, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của quốc gia và được củng cố bởi các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia thiết lập nền tảng cho chính sách tiền lương tối thiểu và sử dụng bằng chứng để đưa ra các khuyến nghị. Để tăng cường năng lực kỹ thuật cho việc xác lập tiền lương tối thiểu, năm 2021, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã mở rộng thành phần và tái cơ cấu bộ máy hoạt động.
Chính sách tiền lương tối thiểu ưu tiên bảo vệ những người lao động bị trả lương thấp, đưa ra các quyết định kỹ thuật thông qua bằng chứng và đối thoại xã hội thực chất có thể đóng góp cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, theo ILO.