Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam hành động thế nào?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2024, hàng loạt quốc gia sẽ áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc - các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các DN lớn của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm (do được hưởng ưu đãi đầu tư).

Nếu như vậy, các nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ bị vô hiệu hóa. Điều này sẽ tác động xấu đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam.

Một DN thuộc diện bị áp thuế tối thiểu toàn cầu cho biết, một trong những lý do khiến họ đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam chính là được hưởng ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có đối sách kịp thời đối với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì rất có thể, Tập đoàn sẽ xem xét việc phân bổ sản xuất sang cứ điểm khác có lợi thế cạnh tranh khác.

Như vậy, nguy cơ về làn sóng dịch chuyển đầu tư sang nước khác của các ông lớn quốc tế nếu Việt Nam không có chính sách kịp thời là hiện hữu trước mắt.

Trong khi các quốc gia khác sẵn sàng có các biện pháp ưu đãi bổ sung, ví dụ Thái Lan sẽ hỗ trợ tiền điện cho nhà đầu tư nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì Việt Nam sẽ “hụt hơi” trong thu hút đầu tư mới.

35 năm qua, Việt Nam đã và đang sử dụng ưu đãi thuế như một đòn bẩy quan trọng để thu hút đầu tư.

Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho các DN, như miễn giảm thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15% không còn tác dụng.

Điều này ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện, công cụ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Thực tế này yêu cầu Việt Nam cần hành động ngay. Bài toán đặt ra là làm sao không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm trong giai đoạn mới.

Mới đây, tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), các nhà đầu tư nước ngoài đã đề nghị Chính phủ Việt Nam nghiên cứu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh Việt Nam.

Đồng thời, có giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để đảm bảo đầu tư, bù đắp lợi ích cho DN trong trường hợp các ưu đãi thuế bị giảm hoặc mất đi tác dụng do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp về thuế tối thiểu toàn cầu, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho DN nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam, nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương hoàn tất nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng thể về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2023.

Trước đó, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt về nội dung này.

Chắc chắn các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư hoạt động đầu tư nước ngoài kinh doanh hiệu quả sẽ được các cơ quan chức năng đưa ra để Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn ngoại.