Chuyển đổi số vẫn “vừa làm, vừa điều chỉnh”
Ngày 28/10, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện”. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng hàng trăm cán bộ, giáo viên.
Ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, năm học 2021 - 2022, Sở phê duyệt 12 phần mềm dạy học trực tuyến nhằm đáp ứng các yêu cầu về hệ thống và kết nối, trao đổi dữ liệu với cơ sở dữ liệu (CSDL) chung của ngành GD&ĐT TP.
Đến hết năm học 2021 - 2022, CSDL chung của ngành GD&ĐT đang được quản lý là 2.387/2.387 đơn vị, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được cấp tài khoản quản lý trực tuyến trên môi trường mạng. CSDL của ngành có 1.748.962 dữ liệu học sinh và 80.557 dữ liệu giáo viên được Sở GD&ĐT quản lý tập trung trên hệ thống. CSDL dùng chung của ngành là nền tảng quan trọng để triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Cũng theo ông Bảo, chuyển đổi số tạo ra nhiều cơ hội học tập cho người học, như: Tiếp cận với nhiều kiến thức, chương trình học, không giới hạn thời gian và không gian. Đối với giáo viên, việc giảng dạy cũng được thực hiện một cách sinh động và linh hoạt với mức độ tương tác cao nhờ những công nghệ như AR, VR. Công tác quản lý lớp học và sổ sách được giảm bớt thông qua những ứng dụng quản lý trường học và sổ điểm điện tử.
Dù việc triển khai chương trình “Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục” được các cấp lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo thực hiện, nhưng do đây là lĩnh vực còn mới, chưa có mô hình chuẩn nên khi thực hiện, ngành GD&ĐT vừa phải nghiên cứu vừa phải tìm tòi, điều chỉnh. Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số còn chậm so với kỳ vọng.
Về vấn đề an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số, ông Bảo cho biết năm học 2021 - 2022, hệ thống thông tin của ngành giáo dục đặt tại QTSC là một trong những hệ thống bị tấn công nhiều nhất. Độ mở của các hệ thống thông tin và quản lý giáo dục quá lớn trong khi đó thái độ người dùng, đặc biệt là người quản trị hệ thống ở các đơn vị, cơ sở chưa ý thức được tính chất quan trọng của công tác quản trị. Do đó, vấn đề này đã gây áp lực mạnh lên đội ngũ quản trị hệ thống thông tin quản lý giáo dục và hệ thống thông tin giáo dục của ngành.
Đầu tư thiếu đồng bộ nên sử dụng chưa hiệu quả
“Ngoài ra, do một số nguyên nhân khách quan như vị trí việc làm công nghệ thông tin (CNTT) trong các đơn vị, cơ sở giáo dục không được xác định; chế độ đãi ngộ dành cho nguồn nhân lực CNTT không cao... nên chưa thu hút được nhân lực về CNTT. Nguồn nhân lực tại chỗ thường xuyên biến động, từ đó việc triển khai các nhiệm vụ về CNTT cũng bị tác động, kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu quản lý của ngành. Bên cạnh đó, hạ tầng CNTT của các đơn vị cũng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều ứng dụng chưa được sử dụng hoặc sử dụng thiếu hiệu quả” - ông Bảo cho biết thêm.
Đại diện trường THPT Ernst Thälmann (Tenlơman) báo cáo, việc thực hiện chuyển đổi số trong các nhà trường đã diễn ra, nhưng chỉ ở một số khía cạnh công việc, chưa mang tính tổng thể và đồng bộ. Việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh chỉ ở mức ứng dụng một số website của trường, Vietschool, Zalo, SMS, Enet; cũng như ứng dụng CNTT để giảng dạy thông qua máy chiếu PowerPoint, Sway, Kahoot…
Cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng được yêu cầu của việc chuyển đổi số. Cụ thể, trường không có kinh phí để mua sắm máy vi tính cho giáo viên. Hầu hết giáo viên tự trang bị máy để dạy học và kết nối với nhà trường và học sinh. Điều này gây khó khăn rất lớn cho giáo viên lẫn nhà trường trong quá trình làm việc lâu dài. Ngoài ra, tài chính là một trong những khó khăn lớn đối với các trường công lập trong vấn đề cân nhắc và lựa chọn các phần mềm ứng dụng hiệu quả.
Về phía phụ huynh và học sinh, để có thiết bị công nghệ và kết nối mạng internet nhằm đáp ứng yêu cầu học trực tuyến là một khó khăn lớn đối với những gia đình có thu nhập thấp hoặc đông con, đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tư tưởng ngại đổi mới cũng là một trở ngại cho sự kết nối giữa cha mẹ học sinh với giáo viên, với nhà trường trong việc giáo dục học sinh.
Lãnh đạo TP luôn quan tâm đến chuyển đổi số ngành giáo dục
Ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trước những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, ngành giáo dục đã tập trung các giải pháp nhằm xây dựng CSDL gốc - Master Data của toàn ngành trên cơ sở đồng bộ CSDL của các hệ thống nhằm khắc phục tình trạng CSDL rời rạc, thiếu tập trung. Đồng thời từng bước liên thông kết nối, chuyển giao dữ liệu giữa các cấp học; đảm bảo hệ thống vận hành ổn định và an toàn.
Trước những nhược điểm của việc học trực tuyến là khó kiểm soát chất lượng và sự tẻ nhạt trong tiết học vì thiếu tương tác thực tế, do vậy, trường THPT Ernst Thälmann đưa ra đề xuất cần trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng ứng dụng các phần mềm đặc thù cho giáo dục để giáo viên và học sinh tăng tính tương tác, tạo sinh động trong tiết học như ứng dụng VR vào xây dựng lớp học thông minh. Có thể đây chưa phải là giải pháp tốt nhất, nhưng có thể coi là một lựa chọn tốt, kích thích sự năng động, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, hạ tầng mạng và trang thiết bị CNTT phải được đổi mới, đặc biệt trong trường học. Với giải pháp này, có thể ưu tiên sử dụng hình thức thuê dịch vụ hoặc huy động nguồn lực xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, TP là đô thị lớn của cả nước và trong khu vực. Hệ thống giáo dục mầm non và phổ thông của TP có quy mô hơn 2 triệu học sinh, trên 100.000 giáo viên, giảng viên, cán bộ trong lĩnh vực giáo dục. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển giáo dục nên luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP. Để phát triển giáo dục, TP đang tập trung triển khai, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đến cán bộ, giáo viên, giảng viên để phục vụ đào tạo học sinh.