Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực tỷ giá có giảm?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau một tuần tăng mạnh, giá USD đang chững lại ở cả thị trường ngân hàng và tự do, song vẫn trên mốc 25.000 đồng.

USD ngân hàng duy trì trên mốc 25.000 đồng

Ngày 9/4, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.037 VND/USD, giảm 1 đồng so với phiên hôm qua.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại giữ đà tăng nhẹ. Cụ thể, tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 24.760 - 25.130 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra. Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 24.810 - 25.120 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 5 đồng cả chiều mua vào và bán ra so với phiên trước đó.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh tỷ giá tăng từ 5-30 VND. Chẳng hạn tại VIB, giá USD mua vào tăng 10 đồng so với phiên hôm qua, ở mức 24.730 VND/USD nhưng giá bán tăng 30 đồng, lên 25.190 VND/USD. Tại Agribank,  Techcombank, TPBank, SHB, tỷ giá tăng từ 5 đến 12 đồng mỗi chiều. Giá USD bán ra trong khoảng 25.115 – 25.190 VND/USD.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm nhưng giao dịch (mua - bán) vẫn ở quanh mức 25.360 – 25.460 VND/USD.

Báo cáo triển vọng vĩ mô tháng 4/2024 của MBS Research cho rằng, tỷ giá trong nước vẫn chưa thể hạ nhiệt. Tỷ giá liên ngân hàng hiện đang giao dịch tại 25.003 VND/USD, tăng 2,9% kể từ đầu năm. Tỷ giá tại thị trường tự do vượt qua mức đỉnh của năm ngoái và đang giao dịch tại 25.400 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm duy trì ổn định quanh ngưỡng 24.038 VND/USD. Như vậy, tỷ giá tại hai thị trường lần lượt tăng 2,6% và 0,8% kể từ đầu năm.

Tỷ giá vẫn liên tục xô đổ các kỷ lục dưới những áp lực như giá vàng trong nước vẫn chưa cho thấy chiều hướng giảm và chênh lệch lãi suất giữa USD-VND tiếp tục kéo dài.

Chính sách hạ lãi suất VND của Việt Nam rất mạnh trong thời gian qua, đã tạo ra chênh lệch lãi suất VND/USD trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đồng USD âm, càng làm cho tỷ giá "nóng hơn".

Việc nhập khẩu các tháng đầu năm cũng có triển vọng tích cực hơn, càng tạo áp lực cho ngoại tệ.

Quá trình thực hiện kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed tiếp tục được quan tâm khi trong cuộc họp chính sách tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Fed cho biết sẽ không vội vàng cắt giảm lãi suất, với lần cắt giảm lãi suất sớm nhất dự kiến diễn ra vào tháng 6. Điều này đồng nghĩa lãi suất USD neo ở mức cao lâu hơn và đồng USD thế giới mạnh hơn.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến động thái chấm dứt chính sách lãi suất âm gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Doanh nghiệp mong tỷ giá ổn định

Trên thực tế, dù NHNN đã hút tiền qua kênh tín phiếu từ ngày 11/3 để kiểm soát tỷ giá, tuy nhiên dựa trên khối lượng gọi thầu và lãi suất trúng thầu, các chuyên gia của PHS cho rằng chưa thực sự hiệu quả. Tỷ giá USDVND bán ra được niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn tăng vọt qua mốc 25.000 trước áp lực tăng giá mạnh của chỉ số US Dollar (DXY) trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, tín dụng suy yếu bất chấp mặt bằng lãi suất liên tiếp thiết lập các mức thấp kỷ lục mới cho thấy tình hình không khả quan như kỳ vọng. Tính đến ngày 25/3 chỉ ghi nhận tăng 0,26%, cách khá xa mục tiêu 14% trong cả năm 2024 của NHNN.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu khả quan trong các tháng đầu năm, nhưng thực tế thặng dư thương mại chỉ ghi nhận ở khu vực doanh nghiệp FDI. Còn khu vực trong nước tiếp tục nới rộng mức thâm hụt.

Gần đây giá vàng vẫn tăng bất chấp cơ quan quản lý đã có những động thái để kiểm soát, ổn định thị trường vàng.

Nhóm chuyên gia phân tích Chứng khoán PHS duy trì quan điểm tỉ giá còn chịu nhiều áp lực.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi chỉ số DXY vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu. Diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối,…

Một chuyên gia về tài chính khác cho biết nếu tỷ giá biến động trên 3% không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết, thực tế khi tỷ giá tăng sẽ có những biến động trái chiều, nhưng đa phần sẽ khiến doanh nghiệp lo lắng. Đồng USD tăng giá giúp doanh nghiệp xuất khẩu thu được lợi hơn. Nhưng doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất thì sẽ bị bội chi về phí nhập khẩu; chưa kể đến các chi phí khác như vận tải, vay nợ bằng USD…

Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, bà Xuân cũng nhận định, cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể. Do đó các doanh nghiệp chỉ mong tỷ giá ổn định là tốt nhất vì sẽ không có những xáo trộn trong hoạt động kinh doanh.

Cho rằng áp lực tỷ giá tăng vẫn có thể diễn ra nhưng Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBankS Trần Hoàng Sơn lại kỳ vọng sẽ dịu lại từ giữa năm nhất là khi FED bắt đầu giảm lãi suất chênh lệch giữa VND và USD. Dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt và dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024; dòng vốn FDI thực hiện 3 tháng ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ; và du lịch phục hồi mạnh mẽ khi quý I/2024 tăng 72% so với cùng kỳ và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. “Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024”- ông Sơn nói.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, đảm bảo tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo mục tiêu đặt ra là sự ổn định, đảm bảo ngoại tệ luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.